Doanh nghiệp EU muốn chuyển giao công nghệ sạch ở Việt Nam

Giám đốc kinh doanh ANDRITZ GROUP kỳ vọng tìm kiếm được đối tác để chuyển giao công nghệ và tiến đến những hợp tác lâu dài tại Việt Nam.
Doanh nghiệp EU muốn chuyển giao công nghệ sạch ở Việt Nam ảnh 1Hệ thống công nghệ ứng dụng năng lượng Mặt Trời kết hợp vi sinh vào nuôi tôm công nghiệp. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Đoàn doanh nghiệp Liên minh châu Âu (EU), ngày 19/6, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Tổ chức EU Business Avenues tổ chức hội thảo "Công nghệ sạch - EU Business Avenues."

Đoàn doanh nghiệp EU sang Việt Nam lần này gồm hơn 30 công ty chuyên về lĩnh vực công nghệ sạch như kiểm soát ô nhiễm không khí, tiết kiệm năng lượng, đo lường kiểm soát năng lượng, xử lý nước, xử lý chất thải...

Theo ông Nicholas Merriman, Giám đốc kinh doanh, Công ty ANDRITZ GROUP (hoạt động trong lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm không khí), đơn vị này là nhà cung cấp hàng đầu về máy móc, thiết bị và dịch vụ cho các nhà máy thủy điện; ngành bột giấy và giấy; ngành gia công kim loại và thép...

Do đó, Công ty ANDRITZ GROUP sang Việt Nam lần này, không chỉ mong muốn khảo sát thị trường, môi trường kinh doanh mà còn kỳ vọng tìm kiếm được các đối tác để chuyển giao công nghệ và tiến đến những hợp tác lâu dài tại thị trường Việt Nam.

Đại diện Tổ chức EU Business Avenues cho biết đây là phái đoàn doanh nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực công nghệ sạch của EU đến Việt Nam, nhằm đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao công nghệ sạch và các giải pháp thân thiện với môi trường đến những quốc gia đang phát triển nhanh trong khu vực Đông Nam Á.

Thông qua việc tiếp nhận các công nghệ sạch và giải pháp thân thiện với môi trường từ những công ty hàng đầu EU sẽ góp phần giúp Việt Nam tạo nền tảng cơ bản để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam đã trở thành đối tác quan trọng của EU và là đối tác thương mại lớn thứ năm trong khu vực ASEAN, với kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa hai chiều đạt 28 tỷ euro trong năm 2014.

Bên cạnh đó, các công ty đến từ EU là những nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn tại Việt Nam với 1.810 dự án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.