Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa công bố báo cáo tình hình thực hiện chi trả tiền lương đối với người lao động trong doanh nghiệp năm 2019.
Theo báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (với 28.681 doanh nghiệp có báo cáo, tương ứng với 3,5 triệu lao động), tiền lương bình quân năm đạt 7,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 6,6% so với năm 2018.
[Mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức tăng thêm 7,38% từ ngày 1/7]
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có mức lương bình quân lớn nhất với 10 triệu đồng/người/tháng (tăng 8,9% so với năm 2018); tiếp đến là công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước là 8,96 triệu đồng/người/tháng (tăng 9,1% so với năm 2018).
Xếp thứ ba về mức lương bình quân là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với 7,63 triệu đồng/người/tháng (tăng 3,7% so với năm 2018). Doanh nghiệp dân doanh có mức lương bình quân thấp nhất với 7,25 triệu đồng/người/tháng, tăng (6,4% so với năm 2018).
Ngoài khảo sát mức tiền lương bình quân, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng khảo sát mức tiền lương cao nhất và thấp nhất của người lao động. Trong khi mức tiền lương thấp nhất đã tăng cao so với năm 2018 thì mức tiền lương cao nhất lại giảm.
Mức tiền lương cao nhất năm 2019 là 1,584 tỷ đồng/người/tháng của một người lao động tại doanh nghiệp FDI ở Thành phố Hồ Chí Minh, mức lương này thấp hơn so với năm 2018 là 2,166 tỷ đồng/người/tháng.
Mức lương thấp nhất cũng nằm trong doanh nghiệp FDI là 300.000 đồng/người/tháng, tăng so với năm 2018 là 100.000 đồng/người/tháng.
Theo đánh giá của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2019 của các doanh nghiệp tiếp tục có sự tăng trưởng, tạo thuận lợi để doanh nghiệp có điều kiện chăm sóc tốt hơn đến đời sống của người lao động. Tiền lương của người lao động năm 2019 đã tăng so với năm 2018./.