Doanh nghiệp ghi nhận cải cách thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu

Các doanh nghiệp đề nghị cần tăng tính công khai, minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính, cải thiện hệ thống cơ sở vật chất, nâng cao năng lực giải quyết công việc,
Doanh nghiệp ghi nhận cải cách thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu ảnh 1Hoạt động xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II (Kim Thành). (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Sáng 15/7 tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan tổ chức hội thảo trực tuyến công bố "Báo cáo: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu: Kết quả khảo sát năm 2020."

Báo cáo được thực hiện dựa trên kết quả phản hồi của 3.657 doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu, sản xuất xuất khẩu, gia công, chế xuất, dịch vụ logistics và đại lý hải quan…

Báo cáo đã phản ánh chi tiết tình hình thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu, các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành, cũng như đề xuất kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền để sửa đổi các quy định pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi và góp phần tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Khai mạc sự kiện, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết xuất nhập khẩu vẫn là lĩnh vực có thành quả nổi bật của Việt Nam bất chấp những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 cùng sự đứt gãy thương mại toàn cầu từ đầu năm 2020 tới nay.

Căn cứ số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 của Việt Nam đạt hơn 545 tỷ USD, tăng 5,3% so với năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt gần 317 tỷ USD, tăng trên 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Những con số này cho thấy nỗ lực phi thường của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đang gặp rất nhiều khó khăn trong dịch bệnh.

Kết quả Báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu đã phản ánh những cố gắng to lớn của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính và các bộ, ngành trong việc cải cách thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp.

Xét về mặt tổng thể, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục kỳ vọng cơ quan hải quan và các bộ ngành tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính và chuyển hẳn sang việc giải quyết thủ tục theo phương thức trực tuyến.

Các doanh nghiệp cũng đề nghị cần tăng tính công khai, minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính, cải thiện hệ thống cơ sở vật chất, nâng cao năng lực giải quyết công việc và tăng cường kỷ cương, kỷ luật của cán bộ, công chức nhà nước trong quá trình giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp.

Cơ quan hải quan và các bộ, ngành cần cải thiện hiệu quả công tác phối hợp trong giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp, mục tiêu cuối cùng là giảm thiểu chi phí tuân thủ bất hợp lý và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong cả chuỗi thủ tục xuất nhập khẩu.

Ghi nhận những kết quả tích cực trong hợp tác giữa Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và VCCI với sự hỗ trợ từ USAID, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Hải quan, bày tỏ sự phấn khởi khi so sánh với những năm trước đã thực hiện, kết quả điều tra năm 2020 có những chuyển biến đáng chú ý như: thông tin về chính sách và thủ tục hành chính xuất nhập khẩu dễ tiếp cận hơn. Doanh nghiệp đánh giá cao hơn về chất lượng thông tin do cơ quan hải quan cung cấp. Doanh nghiệp cũng hài lòng hơn đối với việc hỗ trợ, giải đáp của các cơ quan khi doanh nghiệp gặp vướng mắc về tiếp cận thông tin...

Thông qua báo cáo này, ngành hải quan cùng các đơn vị chức năng sẽ nhanh chóng nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong hoạt động xuất, nhập khẩu; để từ đó điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi, góp phần tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp.

Doanh nghiệp ghi nhận cải cách thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu ảnh 2Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Tân Cảng - Cái Mép (Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn) tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Trọng Đức - TTXVN)

Giới thiệu tổng quan kết quả báo cáo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI, Trưởng nhóm điều tra, nghiên cứu cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 cùng những đứt gãy của thương mại toàn cầu diễn ra rất nghiêm trọng trong hơn một năm qua, báo cáo đã ghi nhận những đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp đối với ngành hải quan và các bộ, ngành khác có liên quan trong nỗ lực cải cách thủ tục xuất nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp.

Cụ thể, việc thực hiện các thủ tục hành chính hải quan cũng thuận lợi hơn đối với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực khi tiến hành khai hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa, hoàn thuế/không thu thuế, cho đến giải quyết khiếu nại...của các cơ quan hải quan. Thêm nữa, lĩnh vực này cũng đang có một số cải cách lớn như gần đây đã có sự giảm bớt chồng chéo, trùng lặp trong kiểm tra sau thông quan, thủ tục xác nhận hàng hoá qua khu vực giám sát qua hệ thống quản lý hải quan tự động.

Các doanh nghiệp cũng đánh giá cao hơn về chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức hải quan so với những năm trước. Mức độ thực hiện kỷ cương, tác phong làm việc và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức hải quan đều có những chuyển động tích cực.

[Người dân và doanh nghiệp mong chờ hiệu quả hơn từ cải cách hành chính]

Đặc biệt, hoạt động kiểm tra, quản lý chuyên ngành vốn trước đây có nhiều phàn nàn của các doanh nghiệp, thì trong khảo sát 2020 đã ghi nhận những chuyển biến tích cực, ông Tuấn nhấn mạnh. Một số bộ, ngành được các doanh nghiệp đánh giá cao như Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Mức độ phổ biến của việc chi trả chi phí ngoài quy định trong quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu cũng đã giảm bớt. Một mặt, thể hiện nhận thức của doanh nghiệp trong kinh doanh liêm chính cũng đã có chuyển biến. Mặt khác, cũng thể hiện những nỗ lực của cơ quan hải quan và các bộ, ngành khác trong việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ.

Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, bên cạnh những điểm sáng đã nêu, báo cáo này cho thấy còn rất nhiều việc cơ quan hải quan và các bộ, ngành khác cần tích cực triển khai trong thời gian tới để tiếp tục tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục kỳ vọng cơ quan Hải quan và các bộ ngành cần đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hành chính và chuyển hẳn sang việc giải quyết thủ tục theo phương thức trực tuyến. Cơ sở vật chất, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin cần được chú trọng cải thiện nhằm giảm thiểu tình trạng nghẽn mạng, báo lỗi trong quá trình thực hiện thủ tục trực tuyến. Các doanh nghiệp đề nghị cần tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác giải đáp vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.

Cơ quan hải quan và các bộ, ngành cũng cần nâng cao năng lực giải quyết công việc và tăng cường kỷ cương, kỷ luật của cán bộ, công chức Nhà nước trong quá trình giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp. Nguyên tắc quản lý rủi ro cần được triển khai và áp dụng đầy đủ, toàn diện trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính xuất nhập khẩu.

Việc phối hợp giữa cơ quan hải quan và các bộ, ngành trong giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp cần hiệu quả hơn. Đặc biệt, việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật cần đảm bảo tính nhất quán và ổn định, mục tiêu cuối cùng là giảm thiểu chi phí tuân thủ bất hợp lý và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong cả chuỗi thủ tục xuất nhập khẩu.

Doanh nghiệp ghi nhận cải cách thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu ảnh 3(Ảnh minh họa. Danh Lam/TTXVN)

Bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID tại Việt Nam, đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan với VCCI trong việc tiến hành điều tra, công bố báo cáo nghiên cứu và tổ chức sự kiện này. Dự án Tạo thuận lợi thương mại (TFP) do USAID hỗ trợ triển khai nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân tăng trưởng toàn diện và mạnh mẽ hơn.

USAID mong muốn sẽ tiếp tục hợp tác cùng Tổng cục Hải quan và VCCI nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa Chính phủ và khu vực tư nhân để củng cố việc hoạch định chính sách và thực thi pháp luật trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.