Doanh nghiệp gỗ "ăn đong" nguyên liệu, sản xuất cầm chừng

Do thiếu nguồn nguyên liệu, không ít cơ sở chế biến gỗ tại Phú Thọ phải tranh mua, tranh bán, nhiều cơ sở chỉ có thể sản xuất cầm chừng, thậm chí phải dừng hoạt động.
Doanh nghiệp gỗ "ăn đong" nguyên liệu, sản xuất cầm chừng ảnh 1Gỗ keo nguyên liệu. (Ảnh minh họa: Đức Hiếu/TTXVN)

Phú Thọ là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế rừng, nhưng do đầu tư dàn trải, manh mún, nhiều diện tích rừng trồng không hiệu quả dẫn đến năng suất chất lượng rừng trồng thấp, không đáp ứng đủ nhu cầu chế biến gỗ trên địa bàn.

Thiếu trầm trọng nguyên liệu gỗ

Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp chế biến gỗ Thái Hoàn, nằm trên địa bàn xã Quế Lâm, huyện Đoan Hùng phải hoạt động cần chừng, gần nửa lao động liên tục nghỉ việc.

Chị Nguyễn Minh Tâm, phụ trách doanh nghiệp cho biết mục tiêu xuất khẩu hơn 600 triệu đôi đũa, cùng nhiều sản phẩm que y tế, que càphê, que kem sang Nhật Bản, Hoa Kỳ trong năm nay khó hoàn thành kế hoạch.

Từ nhiều tháng nay, việc thu mua nguyên liệu gỗ gặp rất nhiều khó khăn do giá gỗ nguyên liệu biến động thất thường và tăng cao. Để có nguyên liệu sản xuất, doanh nghiệp đã phải tranh mua với các doanh nghiệp khác ở Hà Giang, Tuyên Quang có khi Yên Bái về làm.

Trong khi đó, chị Nguyễn Hồng Hảo, chủ cơ sở sản xuất gỗ Thanh Thủy, xã Quế Lâm phàn nàn các doanh nghiệp lớn cạnh tranh thu mua nguyên liệu gỗ bằng cách nâng giá khiến cho cơ sở chế biến nhỏ như của gia đình chị rất khó thu mua gỗ phục vụ chế biến.

Giá gỗ nguyên liệu hiện nay đã tăng từ 10-20% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn khó thu mua. Từ đầu năm đến nay, cơ sở sản xuất gỗ ván thanh của gia đình chị hoạt động chỉ 50-60% công suất. Để có nguyên liễu gỗ duy trì hoạt động, doanh nghiệp cũng phải đặt mua cả rừng cây chưa đủ tuổi.

Theo Phòng Công Thương huyện Đoan Hùng, trong 10 năm gần đây, nghề chế biến gỗ trên địa bàn huyện đã tăng lên nhanh chóng. Đến nay, toàn huyện có hàng trăm cơ sở và hộ gia đình làm nghề chế biến lâm sản, mỗi năm tiêu thụ hàng chục nghìn mét khối gỗ nguyên liệu.

Sản phẩm gỗ xẻ, ván, gỗ bóc của huyện được xuất khẩu nhiều nước trên thế giới, góp phần nâng cao đời sống của người dân và làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, việc tăng trưởng nóng các cơ sở chế biến gỗ đã dẫn đến khan hiếm nguồn nguyên liệu, nhiều cơ sở hoạt động cầm chừng, không ít cơ sở cũng đã phải tạm dừng hoạt động.

Không riêng ở huyện Đoan Hùng, nghề chế biến gỗ cũng phát triển mạnh ở các huyện Hạ Hòa, Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập... với tổng số 709 cơ sở chế biến gỗ vừa và nhỏ trên địa bàn toàn tỉnh. Mỗi năm, các cơ sở này tiêu thụ hàng trăm nghìn mét khối gỗ nguyên liệu.

​Việc tăng quá nhanh các cơ sở chế biến gỗ tại các địa phương đã khiến cho nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm. Theo tính toán, hiện nay nhu cầu gỗ lâm sản phục vụ cho các cơ sở chế biến gỗ và sản xuất giấy trên địa bàn tỉnh cần tới 680.000 m3/năm, nhưng đến nay sản lượng nguyên liệu gỗ bình quân của tỉnh mới chỉ đạt trên 280.000 m3/năm, thiếu tới 400.000m3/năm.

Một số doanh nghiệp chế biến gỗ, sản xuất giấy lớn nằm trên địa bàn tỉnh mặc dù đã xây dựng được kế hoạch "gối đầu" nguyên liệu lâu dài như các nhà mấy giấy Bãi Bằng, Việt Trì, Lửa Việt... nhưng hiện vẫn thiếu tới 70% nguồn nguyên liệu.

Riêng nhà máy giấy Bãi Bằng cần trên 500.000m3 nguyên liệu/năm, nhưng hiện tỉnh mới đáp ứng được 100-120.000m3/năm. Còn các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ bị động hoàn toàn với nguồn nguyên liệu, phần lớn nguyên liệu phải thu mua nguồn nguyên liệu lớn tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Sơn La...

Dự báo đến năm 2016-2020, nhu cầu nguyên liệu gỗ, giấy sẽ tăng lên 820.000m3/năm. Ngành chế biến lâm sản và sản xuất giấy sẽ lâm vào cảnh thiếu nguyên liệu trầm trọng.

Giải bài toán thiếu nguyên liệu gỗ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phú Thọ, toàn tỉnh có 143.500ha đất rừng sản xuất, tuy nhiên diện tích rừng trồng hàng năm trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với diện tích đất rừng trồng của tỉnh, còn nhiều diện tích rừng trồng quảng canh, nhất là rừng trồng bạch đàn chồi hiệu quả kinh tế thấp.

Từ năm 2010-2014, toàn tỉnh trồng được 26.000ha, bình quân mỗi năm trồng được 6.600ha. Trong 5 năm sản lượng gỗ khai thác mới chỉ đạt 1,4 triệu m3, bằng 93,3% kế hoạch, trung bình mỗi năm khai thác khoảng 28.000m3/năm, đáp ứng được từ 30-40% nhu cầu nguyên liệu phục vụ ngành chế biến gỗ và sản xuất giấy trên địa bàn hiên nay, còn lại là phải thu mua từ nơi khác.

Khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu gỗ, tỉnh Phú Thọ đang xây dựng chiến lược phát triển vùng nguyên liệu bền vững, nhằm đưa kinh tế đồi rừng phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có.

Dự kiến, tỉnh sẽ quy hoạch vùng phát triển nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến với diện tích khoảng 70.000ha rừng trồng, chủ yếu là sản xuất gỗ nhỏ để phát huy cao nhất năng xuất rừng trồng, đồng thời đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đưa loài cây phù hợp để trồng rừng sản xuất gồm keo tai tượng, keo lai, mỡ vào trồng, nâng tỷ lệ giống mới lên 30-40% vào năm 2020, đồng thời áp dụng quy trình kỹ thuật trồng rừng thâm canh, trồng mới và chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn để tăng năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng, nâng cao tỷ lệ gỗ nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến và sản xuất đồ gỗ lớn trên địa bàn.

Tỉnh còn khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiến tiến, hiện đại, đồng bộ; đưa tỷ lệ ván nhan tạo, ván ghép thanh, đồ gỗ từ 10% như hiện nay lên 30% vào năm 2020. Mặt khác, tỉnh cũng thu hút đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ván ghép thanh, ván MDF, nhà máy chế biến gỗ tại huyện Thanh Sơn và Đoan Hùng.

Ngoài ra, tỉnh Phú Thọ đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục bố trí kinh phí bảo vệ phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 và kinh phí thực hiện đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất lâm nghiệp, đồng thời kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sớm ban hành các văn bản để tránh chồng chéo trong phân cấp quản lý ở các sở, ban, ngành; hỗ trợ kinh phí để quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung gắn với chế biến, tạo vùng nguyên liệu ổn định, bảo đảm sự phát triển bền vững cho các doanh nghiệp./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.