Hàn Quốc mong muốn Việt Nam đảm bảo nguồn cung nguyên liệu đất hiếm

Doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn mở rộng cơ sở sản xuất tại Việt Nam

Các doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn thiết lập hoặc tiếp tục mở rộng cơ sở sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ như đồng đốt ammonia hay nguyên liệu chất hiếm sản xuất chất bán dẫn.
Doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn mở rộng cơ sở sản xuất tại Việt Nam ảnh 1Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tiếp và làm việc với ông Choi Young Sam, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tại buổi tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ngày 27/10, tại Hà Nội, ông Choi Young Sam, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam cho biết mặc dù kinh tế thế giới đang trong giai đoạn biến động phức tạp, nhưng với sự tin cậy chính trị cao, các doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn thiết lập hoặc tiếp tục mở rộng cơ sở sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cốt lõi như đồng đốt ammonia hay chất bán dẫn.

Bên cạnh đó, Đại sứ Choi Young Sam cũng bày tỏ mong muốn của các doanh nghiệp Hàn Quốc về việc hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đảm bảo nguồn cung nguyên liệu phục vụ sản xuất nam châm đất hiếm quy mô lớn. Đây là hoạt động được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội hợp tác có giá trị trong lĩnh vực khai thác, chế biến đất hiếm, mang lại lợi ích kinh tế, công nghệ quan trọng cho cả Hàn Quốc và Việt Nam.

[Chủ tịch Quốc hội ủng hộ đề xuất hợp tác của Tập đoàn SK về năng lượng]

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao những nỗ lực của Đại sứ ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ tại Việt Nam (từ tháng 8/2023) đã bắt tay triển khai nhiều hoạt động thiết thực, thúc đẩy hơn nữa quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” Việt Nam-Hàn Quốc trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thương mại, công nghiệp và năng lượng.

Bộ trưởng mong rằng với kinh nghiệm ngoại giao dày dặn, gắn bó sâu sắc với khu châu Á, tân Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối của Đại Sứ quán, giúp Chính phủ Việt Nam thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt thông qua Biên bản ghi nhớ thành lập Korea Plus tại Việt Nam và Việt Nam Plus tại Hàn Quốc.

Doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn mở rộng cơ sở sản xuất tại Việt Nam ảnh 2Hai Bên trao đổi các cơ hội hợp tác. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Triển khai Biên bản ghi nhớ trên, hướng tới mục tiêu kim ngạch song phương đạt 150 tỷ USD vào năm 2030, Bộ Công Thương cùng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ nhất Nhóm công tác triển khai Korea Plus tại Việt Nam và Viet Nam Plus tại Hàn Quốc vào ngày 14/9/2023 tại Hàn Quốc.

Theo đó, các Nhóm công tác Korea Plus tại Việt Nam và Viet Nam Plus tại Hàn Quốc sẽ định kỳ nhóm họp, tổng hợp tình hình hoạt động và có báo cáo, kiến nghị tại các Kỳ họp của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Hàn Quốc qua đó thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng giữa hai nước trong thời gian tới.

Tại buổi tiếp, hai Bên cũng nhất trí phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc tổ chức tốt kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Hàn Quốc về hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng và Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc dự kiến vào tháng 12/2023.

Đồng ý với đề xuất của Đại sứ Choi về đảm bảo nguồn cung nguyên liệu phục vụ sản xuất nam châm đất hiếm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ Công Thương luôn ủng hộ hợp tác trong lĩnh vực này. Trong thời gian tới, đề nghị các bên phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng tiêu chí đánh giá về công nghệ trong khai thác, chế biến đất hiếm để đảm bảo tài nguyên này được sử dụng một cách hiệu quả, mang lại lợi ích toàn diện cho cả cộng đồng địa phương và khu vực lân cận.

Doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn mở rộng cơ sở sản xuất tại Việt Nam ảnh 3Dự án Lotte Mall Tây Hồ do Tập đoàn Lotte Hàn Quốc đầu tư. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp của doanh nghiệp Hàn Quốc trong đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và khẳng định Bộ Công Thương luôn ủng hộ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư, mở rộng kinh doanh phù hợp với các quy định pháp luật Việt Nam.

Hiện Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là đối tác thương mại thứ ba của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước năm 2022 đạt 87 tỷ USD, tăng 11,4% so với năm 2021. Riêng 9 tháng năm 2023, thương mại hai chiều đạt 56,259 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 17,777 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này 38,482 tỷ USD.

Giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang có 3 hiệp định thương mại là: Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA); Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.