Doanh nghiệp Hàn Quốc ở Kaesong chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài

Khoảng 30 công ty của Hàn Quốc từng hoạt động tại khu công nghiệp chung Kaesong đã chuyển các cơ sở sản xuất ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam, để tìm kiếm nguồn lao động giá rẻ.
Doanh nghiệp Hàn Quốc ở Kaesong chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài ảnh 1Khu công nghiệp liên Triều Kaesong. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, khoảng 30 công ty của Hàn Quốc từng hoạt động tại khu công nghiệp chung Kaesongbị đóng cửa cách đây hơn 2 năm đã chuyển các cơ sở sản xuất ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam, để tìm kiếm nguồn lao động giá rẻ.

Hàn Quốc đã quyết định đóng cửa khu công nghiệp chung này hồi tháng 2/2016 để “trừng phạt” Triều Tiên vì đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư và phóng tên lửa tầm xa.

Trước khi bị đóng cửa, 123 doanh nghiệp của Hàn Quốc, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã hoạt động tại khu công nghiệp này.

Khu công nghiệp Keasong được coi là biểu tượng của sự hợp tác kinh tế liên Triều vì kết hợp giữa vốn và công nghệ của Hàn Quốc với nguồn lao động giá rẻ của Triều Tiên.

[Quan chức Hàn Quốc hối thúc mở lại khu công nghiệp chung Kaesong]

Theo Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động ở Kaesong, nhiều công ty Hàn Quốc đã chuyển tới Việt Nam và các nước khác do giá lao động ở Hàn Quốc ngày càng cao sau khi họ rút khỏi Kaesong.

Một trong các hãng này là công ty Young Inner Foam, một nhà sản xuất đồ lót hiện đang xây dựng nhà máy thứ hai của mình gần Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến hoàn thành vào tháng 5 năm tới.

Ba tháng sau khi rút khỏi Kaesong, công ty này đã xây dựng nhà máy đầu tiên của mình ở Thành phố Hồ Chí Minh vì không chịu được giá thuê lao động cao ở Hàn Quốc.

DMF, một hãng sản xuất quần bò và đồ may mặc khác, cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Công ty này đã xây một nhà máy ở Hà Nội, thuê khoảng 350 công nhân Việt Nam, sau khi rút khỏi Kaesong.

Theo Chủ tịch DMF Choi Dong-jin, việc vận hành một nhà máy sản xuất ở Hàn Quốc gặp khó khăn vì thiếu lao động và giá lao động cao.

Ông cho biết đang chờ khu công nghiệp chung Kaesong mở cửa trở lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.