Trong quá trình hội nhập, các biện pháp hỗ trợ thị trường nội địa vẫn luôn được các quốc gia tăng cường sử dụng. Câu chuyện cá tra, cá basa Việt Nam bị bị áp thuế chống bán phá giá tại Mỹ, thép cuộn cán nguội xuất khẩu bị áp thuế chống bán phá giá Indonesia… không còn xa lạ và tới đây các “cuộc chiến” bảo trợ sau hàng rào thế quan sẽ còn diễn ra mạnh mẽ và tinh vi hơn.
[Tôn, thép Việt Nam đối mặt với nguy cơ từ tranh chấp thương mại]
Quay trở lại thị trường nội địa, các cam kết hội nhập cũng đặt ra nhiều thách thức, như sự gia tăng cạnh tranh giành thị phần, sự chèn lấn về khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nước ngoài… với doanh nghiệp trong nước. Tình hình đã khiến nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: Chúng ta còn bao nhiêu không gian chính sách để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước?
Cơ hội nghiêng về khối ngoại
Một nghiên cứu gần đây nhất từ Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổ chức Action Aid International tại Việt Nam đã nhấn mạnh ý nghĩa phát triển kinh tế mũi nhọn, trong đó chỉ ra hai lĩnh vực kinh tế mà Việt Nam có tiềm năng và thế mạnh phát triển là công nghiệp điện tử và công nghiệp chế biến thực phẩm.
Báo cáo với chủ đề “Tác động của các hiệp định thương mại tự do và hiệp định đầu tư song phương tới các mục tiêu phát triển dài hạn của Việt Nam” đã nhấn mạnh điện tử là ngành Việt Nam có tiềm năng phát triển cao trong tương lai, khi gần đây các công ty điện tử đa quốc gia đang tăng sự quan tâm đầu tư và mở rộng sản xuất.
[Đáp ứng chuẩn mực quốc tế: Thách thức của doanh nghiệp Việt]
Các phân tích trong đó cho rằng đây là yếu tố cơ hội giúp tăng vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng các sản phẩm điện tử dân dụng.
Xét về các điều kiện cam kết, sau khi gia nhập WTO, thuế quan đối với các sản phẩm điện tử được thực hiện khá nhanh. Trần thuế nhập khẩu với tất cả sản phẩm điện tử giảm về mức 0% trong (vòng 3 năm-5 năm hoặc tối đa 7 năm).
Việc thực thi cam kết cắt giảm thuế quan trong các FTA khu vực từ 2006 cũng tác động đáng kể đến ngành điện tử ở Việt Nam khi hầu hết các dòng thuế đều được cắt giảm về 0%.
Liên quan đến các cam kết đầu tư, trong khuôn khổ WTO và những thay đổi gần đây cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài được trao nhiều quyền/cơ hội trong việc nắm giữ cổ phẩm trong các doanh nghiệp nội địa.
Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đàm phán hướng tới phạm vi rộng hơn, trong đó nhấn mạnh những quy định liên quan đến đầu tư nước ngoài và bảo vệ nhà đầu tư. Đặc biệt, Việt Nam khó có thể giảm những ưu đãi đã cấp cho các doanh nghiệp điện tử nước ngoài (cao hơn so với doanh nghiệp trong nước) nếu có các cam kết chặt chẽ hơn về bảo hộ, xử lý tranh chấp giữa nhà đầu tư và Chính phủ.
Trước bối cảnh đó, chuyên gia Nguyễn Anh Dương thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, quá trình hội nhập quốc tế đã tác động đáng kể đến không gian chính sách đối với ngành điện tử, như thu hẹp không gian chính sách thuế quan, giảm mức độ và khả năng sử dụng các biện pháp phi thuế quan, hạn chế hỗ trợ tín dụng đối với các doanh nghiệp trong nước và giảm các biện pháp hỗ trợ liên quan đến đầu tư cho các doanh nghiệp trong nước.
“Tuy vậy, Chính phủ vẫn còn dư địa để thực hiện những biện pháp hỗ trợ ngành này, bao gồm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đào tạo và tập huấn cho lao động, nghiên cứu và triển khai, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường, bởi những biện pháp thuần túy thương mại để hạn chế các sản phẩm điện tử thâm nhập thị trường hầu như không còn nhiều dư địa,” ông Dương đề xuất.
Hàng rào phi thuế quan... không dễ
Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp đến 2025 và tầm nhìn đến 2035 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 879, đã đặt nền tảng phát triển cho ngành công nghiệp chế biến, trong đó có chế biến thực phẩm.
Nhưng bối cảnh hội nhập quốc tế hiện cũng cho thấy nhiều vấn đề đối với ngành chế biến thực phẩm. Cụ thể: Mức thuế nhập khẩu sẽ bị cắt giảm dần, các quy tắc xuất xứ ngày càng phức tạp hơn, như vậy việc áp dụng quy tắc xuất xứ trong nước khó có thể giúp hạn chế cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài.
Thêm vào đó, việc tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ cũng không dễ dàng, trong khi ngành chế biến thực phẩm của Việt Nam thường đi chậm hơn trong việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu sáng chế, nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý…
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam đối với ngành chế biến thực phẩm thấp hơn so với các nước phát triển nên khi áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn sẽ mang lại thách thức cho doanh nghiệp nội địa (quy tắc Đối xử quốc gia trong WTO và các hiệp định thương mại tự do khác).
Ông Nguyễn Tiến Dũng , Phó giám đốc, Economica Vietnam nhấn mạnh, các cam kết từ Hiệp định TPP tới đây có các điều khoản liên quan đến sở hữu trí tuệ được mở rộng hơn nhiều so với WTO, do đó việc sử dụng hàng rào phi thuế quan sẽ bị hạn chế bởi những quy định liên quan đến đảm bảo minh bạch.
Theo ông Dũng, những nỗ lực hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn, song nếu thiếu quan tâm đúng mức đến thực trạng phát triển và mong muốn của doanh nghiệp trong nước, có thể ảnh hưởng bất lợi tới sự phát triển sản xuất.
“Do đó, Việt Nam cần một lộ trình phù hợp và đủ dài với quyết định tiếp cận đối với các FTA và BIT, để có thể đảm bảo khả năng đó có thể thành hiện thực hóa. Chính phủ cần duy trì không gian chính sách bằng khả năng sử dụng nhiều công cụ hỗ trợ khác nhau, đóng vai trò quan trọng trong quá trình kiến tạo môi trường phát triển thuận lợi, phù hợp và nhất quán cho các doanh nghiệp sản xuất chế biến ở Việt Nam,” ông Dũng kiến nghị./.