Bước vào năm 2023 với diễn biến phức tạp trong tình hình kinh tế, chính trị thế giới, thuật ngữ VUCA (Biến động (Votality), không chắc chắn (Uncertainty), phức tạp (Complexity) và mơ hồ (Ambiguilty) trong quản trị kinh tế lại càng được nhắc đến nhiều hơn.
Năm 2023 cũng là năm bản lề trong việc thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025; trong đó mục tiêu số hóa các hoạt động xúc tiến thương mại đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin là một nội dung quan trọng trong chủ trương xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Thông tin này được ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), nhấn mạnh tại Hội nghị Định hướng chiến lược kinh doanh trên nền tảng số trong thời kỳ VUCA do Bộ Công Thương phối hợp với Alibaba.com tổ chức sáng 1/3 tại Hà Nội.
Theo ông Vũ Bá Phú, trong khuôn khổ hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại và sàn thương mại điện tử Alibaba.com (Alibaba.com), hai bên phối hợp triển khai thành công nhiều sự kiện quốc tế như: Hội nghị Thương mại điện tử quốc tế B2B Alibaba.com năm 2021, Hội nghị quốc tế “Xuất khẩu trực tuyến qua nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com” năm 2022 và khai trương “Gian hàng quốc gia Việt Nam-Vietnam Pavilion năm 2022. Đây là không gian hàng hóa Việt Nam trên Alibaba.com, tập hợp giới thiệu các thương hiệu uy tín, sản phẩm chất lượng, các câu chuyện thành công của các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu.
Ngoài ra, có tới hơn 200 khóa huấn luyện, đào tạo được Bộ Công Thương phối hợp với Alibaba.com triển khai ở các tỉnh thành trên phạm vi toàn quốc, tập trung vào các nội dung như nhận thức về chuyển đổi số, tiếp cận với phương thức kinh doanh trên nền tảng số, cách thức vận hành gian hàng số, bán hàng trực tuyến (livestream)…
Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, ông Vũ Bá Phú cho rằng về phía doanh nghiệp cũng cần có sự chủ động, tích cực trong việc tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác.
Hơn nữa, doanh nghiệp cần chú trọng việc nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu, phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai hoạt động xúc tiến thương mại để đón đầu cơ hội từ thị trường, đặc biệt là các thị trường có hiệp định thương mại tự do.
Nhận định ở góc độ doanh nghiệp, ông Roger Luo, Giám đốc Alibaba.com khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho hay thông qua dữ liệu xuất khẩu của Việt Nam trong những năm vừa qua, có thể thấy rằng hàng hóa của Việt Nam đang đứng hàng đầu về nhu cầu thu mua của thế giới.
Không những thế, ngày càng nhiều đối tác mua hàng ngoại quốc sẵn sàng coi Việt Nam là lựa chọn hàng đầu để thu mua. Sản phẩm từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam luôn được đánh giá cao về chất lượng thành phẩm, kỹ năng xuất khẩu cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng.
[Kinh tế số đóng góp khoảng 14,26% vào GDP Việt Nam năm 2022]
Bên cạnh đó, hiện 50% nhà xuất khẩu từ Việt Nam đang ở mức KA (nhà xuất khẩu có hạng sao cao), điều này thể hiện xu hướng đầu tư theo chiều sâu ngày càng nhiều hơn của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vào thương mại điện tử.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), xuất khẩu Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng 6% năm 2023, mở ra kỳ vọng kinh doanh mới cho doanh nghiệp. Tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều thách thức khó khăn, đòi hỏi doanh nghiệp phải có các bước chuẩn bị tương ứng; trong đó, mô hình kinh doanh mới, nhất là thương mại điện tử cần được áp dụng nhiều hơn. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu giúp tiết giảm chi phí để vượt qua khó khăn hiện nay.
Còn theo ông Vũ Thế Tùng, Giám đốc Phát triển thị trường và Đối ngoại Chính phủ, Alibaba.com Việt Nam, năm 2023 là năm được dự báo nhiều thử thách cho doanh nghiệp Việt Nam. Trong bối cảnh đó sàn thương mại điện tử Alibaba.com tập trung vào nâng cao chất lượng dịch vụ kết nối nhà xuất khẩu-nhà nhập khẩu, cung cấp thông tin thị hiếu thị trường để tăng tính hiệu quả khi các doanh nghiệp quyết định tham gia kinh doanh trên nền tảng. Từ phía doanh nghiệp, khi tham gia thương mại điện tử, doanh nghiệp cần phải xác định rõ ràng các nguồn lực như nhân sự và tài chính để đầu tư đúng và trúng.
Theo chuyển động kinh tế, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, khẳng định tiến trình phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19. Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 8% cao nhất từ năm 2011 đến nay, kinh tế vĩ mô cơ bản được giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát, cán cân thương mại được đảm bảo. Khối lượng xuất khẩu của Việt Nam đã tăng nhanh, góp phần vào sự tăng trưởng vượt bậc trong thập kỷ qua.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng nhìn chung, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn trong năm 2023 được đánh giá là khả quan. Báo cáo thị trường “Triển vọng B2B kỹ thuật số 2023” của Alibaba.com cho thấy, có tới hơn 50% doanh nghiệp lựa chọn thử sức với kênh thương mại điện tử hoặc số hoá và mở rộng kênh bán hàng để “sống sót” qua đại dịch.
Không nằm ngoài xu hướng đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tăng đầu tư vào ứng dụng công nghệ số, nâng cao năng lực xuất khẩu, kỹ năng bán hàng xuyên biên giới, nghiên cứu phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu để tăng tốc trong giai đoạn khó khăn./.