Doanh nghiệp "loay hoay" vì Thông tư treo vô thời hạn

Doanh nghiệp "loay hoay" trong khó khăn vì Thông tư treo vô thời hạn

Hệ lụy của việc Thông tư 38/2013-TT-BNNPTNN bị gác lại là không ít doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn: Chi phí bỏ ra để tiến hành khảo nghiệm sản phẩm không thể thu hồi, dây chuyền sản xuất đình trệ.
Doanh nghiệp "loay hoay" trong khó khăn vì Thông tư treo vô thời hạn ảnh 1(Ảnh minh họa: Huỳnh Thế Anh/TTXVN)

Hệ lụy của việc Thông tư 38/2013-TT-BNNPTNN bị gác lại là việc không ít doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn. Chi phí bỏ ra để tiến hành khảo nghiệm sản phẩm không thể thu hồi, dây chuyền sản xuất đình trệ, uy tín trên thương trường sụt giảm mạnh.

Thông tư này có một ý nghĩa hết sức quan trọng trọng việc đáp ứng kịp thời yêu cầu của thời vụ sản xuất nông nghiệp, phục vụ nhu cầu sản xuất của các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón. Do vậy, việc đình chỉ đột ngột hiệu lực của Thông tư vào đúng ngày có hiệu lực đã làm nảy sinh hàng loạt các hệ lụy có liên quan. Một số doanh nghiệp chuyên về phân bón đã “kêu trời” vì sản phẩm của mình bỗng sau một đêm bị “gác lại” không thời hạn.

Ông Ng. N. Đ., Trưởng phòng kỹ thuật chuyên về phân bón của công ty có sản phẩm đăng ký cho biết, việc Thông tư 38 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tạm dừng không chỉ khiến cho doanh nghiệp thiệt hại về kinh tế mà còn gây mất uy tín của doanh nghiệp đối với khách hàng.

“Tình trạng hàng hóa dồn ứ, không thể mang đi tiêu thụ được khiến doanh nghiệp không biết xoay xở ra sao, trong khi các đối tác khách hàng cũng đang chờ đợi nguồn hàng. Thêm vào đó, toàn bộ số hàng bị dừng lại, khiến bà con nông dân không có phân bón sản xuất. Đặc biệt, dù là mặt hàng kinh doanh có thời hạn sử dụng khá dài, song với tình trạng hiện nay, không ai biết trước liệu những lô hàng này có bị lưu lại để quá hạn hay không?” ông Ng. N. Đ. chia sẻ.

Theo thông tin chia sẻ của ông Ng. N. Đ., sản phẩm của công ty đã ra mắt hội đồng thẩm định vào tháng 2/2013 và sau 45 ngày kể từ ngày ra mắt, sản phẩm sẽ được lưu hành. Tuy nhiên, đến nay vẫn trong tình trạng chờ đợi.

Uớc tính của vị đại diện này cho biết, trung bình một tháng doanh nghiệp của ông sẽ nhập khoảng 3 container lượng hàng, mỗi một container sẽ có khoảng 16.000 lít sản phẩm và tính cho đến nay, gần một năm sau khi Thông tư bị dừng, khó ai có thể ước tính được số lượng thiệt hại về kinh tế.

Song nói rõ về vấn đề này ông Đ cũng cho biết: “Chúng tôi chỉ là một doanh nghiệp nhỏ và có số lượng đăng ký không nhiều, song thử đặt một câu hỏi với nhiều đơn vị khác ‘chung cảnh’ thì con số sẽ lên đến như thế nào?”

Cùng chung quan điểm, bà Thủy đại diện công ty có sản phẩm đăng ký tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, công ty chỉ có 1-2 sản phẩm, tuy thiệt hại về kinh tế không quá lớn song tình trạng trì trệ này tiếp tục kéo dài thì sẽ có nhiều doanh nghiệp chung ảnh hưởng. Hệ lụy của vấn đề này sẽ còn nhân lên lớn hơn.

Bà Thủy cho hay, không chỉ có các sản phẩm đăng ký mới thì bị dừng, mà toàn bộ sản phẩm tái đăng ký như công ty bà cũng bị dừng một cách đột ngột và đình chỉ vô thời hạn. Trong khi đó, phía cơ quan quản lý nhà nước không hề có một giải thích gì thêm cho các doanh nghiệp.

Theo tìm hiểu qua các doanh nghiệp, chi phí tổi thiểu để khảo nghiệm 1 sản phẩm phân bón ước khoảng 10 triệu đồng. Sau khi được hội đồng khoa học công nhận kết quả khảo nghiệm (bằng quyết định), doanh nghiệp sẽ tiến hành các bước cần thiết để sản xuất sản phẩm như: Thu mua nguyên vật liệu, in ấn bao bì, thăm dò thị trường... Khoản chi phí này ước tính tối thiểu cũng vào khoảng 10 triệu đồng/loại phân bón.

Như vậy, với gần 800 loại phân bón được khảo nghiệm tại Thông tư 38, tổng chi phí tổn thất thực của doanh nghiệp đã phải bỏ ra để được “góp mặt” trong Thông tư này là khoảng 16 tỷ đồng. Đó là chưa kể tới việc toàn bộ một loạt hệ thống dây chuyền hoạt động của các doanh nghiệp trên cũng đã bị “treo” cùng Thông tư 38 suốt từ tháng 9/2013 tới nay.

Trước tình trạng này, ông Ng.V.Đ cũng nêu ý kiến, doanh nghiệp chỉ mong và yêu cầu phía các cơ quan nhà nước nhanh chóng giải quyết các vấn đề một cách dứt khoát, minh bạch, cụ thể; tránh tình trạng Thông tư trì trệ, chậm trễ ảnh hưởng trực tiếp cho các doanh nghiệp và kéo theo người dân cũng chịu tác động./.

Ban hành văn bản hướng dẫn sau… 10 tháng?
Trao đổi với phóng viên Vietnam+ qua điện thoại, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt bước đầu cho hay: Trong thời gian tới, theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục sẽ ban hành văn bản hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.Mặc dù vậy, việc để nhiều doanh nghiệp “loay hoay”, khốn đốn trong vòng hơn 10 tháng qua vẫn khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các Cục nghiệp vụ liên quan tới sản phẩm phân bón thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục