Dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế và thương mại của nhiều quốc gia trên thế giới.
Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp “ngấm đòn” do thiếu nguyên liệu đầu vào cũng như khó khăn về thị trường tiêu thụ.
Sản xuất cầm cự
Theo đại diện Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu cả nước tháng Hai chỉ đạt 18,6 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng Một. Cộng dồn 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 36,92 tỷ USD, tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ.
[Khơi thông thị trường, đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ hàng nông sản]
Đáng chú ý, xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) chỉ đem về 25,51 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2019. Nếu không tính dầu thô, mức tăng chỉ còn 0,5%.
Rõ rệt nhất là nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm hơn 85% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước trong 2 tháng vừa qua chỉ tăng được 4,1% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cho biết các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh (Hàn Quốc, Nhật Bản) để phục vụ sản xuất.
Trong đó, một trong số những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất là ngành điện-điện tử. Thậm chí nhiều doanh nghiệp chỉ còn đủ lượng linh kiện, phụ kiện phục vụ cho sản xuất trong khoảng đến giữa hoặc cuối tháng 3/2020.
Chỉ tính riêng năm 2019, Việt Nam đã phải chi ra 40 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng này, trong đó nhập từ Hàn Quốc là 16,8 tỷ USD, từ Trung Quốc là 13,8 tỷ USD và Nhật Bản là 1,7 tỷ USD.
“Trung Quốc cũng như một số quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản là thị trường tiêu thụ lớn đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, vì vậy ảnh hưởng của dịch bệnh cũng sẽ tác động đến kim ngạch xuất khẩu và thị trường tiêu thụ ngoài nước của nhiều ngành sản xuất công nghiệp,” ông Hoài nói.
Trong khi đó, việc gián đoạn tại một số cửa khẩu cũng ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản.
Theo đại diện Bộ Công Thương, trong 2 tháng đầu năm xuất khẩu của nhóm này giảm tới 14% so với cùng kỳ năm 2019 và chỉ có 2 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ là gạo và sắn (tăng lần lượt là 20,5% và 55,8%).
- Xuất khẩu một số mặt hàng nông, thủy sản:
Riêng nhóm hàng nông, thủy sản của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm đã có 8/9 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Những mặt hàng giảm mạnh là: rau quả giảm 17,4%, thủy sản giảm 17,7%; hạt điều giảm 19,3%, càphê giảm 9,8%, chè các loại giảm 19,4%, hạt tiêu giảm 18,8% và cao su giảm 24,2%.
“Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc, nhóm hàng nông, thủy sản chịu ảnh hưởng rất rõ rệt bởi đây là thị trường xuất khẩu nông, thủy sản chủ lực của Việt Nam,” đại diện Bộ Công Thương thông tin thêm.
Cơ hội mới từ các FTA
Không chỉ xuất khẩu bị ảnh hưởng, nhập khẩu của Việt Nam từ một số quốc gia châu Á cũng sụt giảm, trong đó thị trường Trung Quốc giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Với ngành da giày, túi xách, hiện trên 60% nguyên phụ liệu trong ngành phải nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc… do vậy nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ phải gánh thêm nhiều khó khăn khi dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài.
Trước thực tế trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Cục Công nghiệp đánh giá một cách đầy đủ các khó khăn cũng như đặc thù của từng khu vực doanh nghiệp để từ đó phối hợp cùng các Bộ, ngành đưa ra các giải pháp đúng và trúng để hỗ trợ doanh nghiệp, bình ổn thị trường trong nước.
Ông cũng cho rằng đây là thời điểm ngành công nghiệp trong nước nhìn lại vị trí trong liên kết chuỗi, từ đó có định hướng tái cơ cấu hợp lý, tăng cường nội lực về công nghiệp hỗ trợ để chủ động nguồn cung lâu dài, tránh phụ thuộc vào một số thị trường đầu vào nhất định. Đặc biệt là việc nắm bắt cơ hội từ các thị trường tại EU sau khi EVFTA có hiệu lực, cộng hưởng với CPTPP để mở rộng đầu ra cho sản phẩm công nghiệp trong nước.
“Việc ứng phó với SARS-CoV-2 không chỉ dừng ở đây, mà phải tính đến giải pháp khôi phục và phát triển mạnh mẽ hơn ngành công nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung sau khi dịch bệnh kết thúc, dù đó là ở thời điểm nào,” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 12/2, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam - EVFTA, và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA). Hiệp định EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn thâm nhập thị trường quy mô GDP tới 18.000 tỉ USD. EVFTA dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2020.
Đối với xuất khẩu của Việt Nam, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng, Nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) phân tích, CPTPP và EVFTA được đánh giá là những hiệp định quan trọng nhất, mở ra các cơ hội để hàng hóa Việt Nam đi vào thị trường cao cấp. Rất nhiều mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, có thể xuất khẩu hiệu quả vào các khu vực này như: dệt may, giày dép, điện thoại, thủy hải sản…
Tuy vậy, ông Thắng cũng lưu ý doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến những tiêu chuẩn khắt khe vễ kỹ thuật, an toàn thực phẩm… đối với những thị trường này.
“Chỉ khi hàng hóa Việt Nam có chứng nhận xuất xứ Việt Nam, đạt tỷ lệ nội địa hóa nhất định mới được hưởng thuế suất đó. Do vậy bên cạnh việc nỗ lực nội địa hóa, cần đề phòng hiện tượng hàng hóa nước ngoài mạo danh hàng Việt Nam để xuất khẩu,” chuyên gia Phạm Tất Thắng nói./.