Các doanh nghiệp Nhật Bản nhận định Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng để hợp tác đầu tư kinh doanh trên nhiều lĩnh vực từ sản xuất nông nghiệp, hợp tác y tế, giáo dục-đào tạo đến công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện tử, viễn thông...
Sáng 6/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức tọa đàm “Đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Vĩnh Phúc,” với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các tổ chức Nhật Bản tại Việt Nam như Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV), Hiệp hội Việt Nam-Nhật Bản và đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì khẳng định, sẽ ủng hộ doanh nghiệp Nhật Bản hết mình và nỗ lực không ngừng để cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh; tập trung thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu đến hàng rào các khu công nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao; quy hoạch, phát triển các khu đô thị, dịch vụ, du lịch; giải quyết kịp thời kiến nghị và thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư Nhật Bản...
Ông Nguyễn Văn Trì nhận định, trong những năm qua, quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu, mang lại lợi ích to lớn cho nhân dân hai nước nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.
Mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh Vĩnh Phúc với các địa phương ở Nhật Bản cũng đã có từ lâu, đặc biệt từ năm 1995, khi Tập đoàn Toyota và Tập đoàn Honda Nhật Bản đầu tư vào Vĩnh Phúc đã tạo bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác giữa Vĩnh Phúc và Nhật Bản.
Vĩnh Phúc đánh giá rất cao chất lượng và hiệu quả các dự án đầu tư của Nhật Bản. Các dự án có vốn đầu tư trực tiếp và các dự án hỗ trợ phát triển chính thức của Nhật Bản tại Vĩnh Phúc trong những năm qua đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và cũng là nền tảng xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa Vĩnh Phúc và Nhật Bản.
Đến hết tháng 6/2016, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 222 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đến từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,43 tỷ USD; trong đó, Nhật Bản có 26 dự án với tổng vốn đăng ký là trên 786 triệu USD.
Nhật Bản tuy có số lượng dự án và vốn đăng ký đầu tư đứng thứ 3, nhưng luôn dẫn đầu về tỷ lệ và số vốn thực hiện, cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh, đóng góp vào ngân sách tỉnh.
Hiện, Vĩnh Phúc đang kêu gọi các dự án đầu tư có hàm lượng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực như công nghiệp cơ khí (sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy...), công nghiệp điện tử, viễn thông; vật liệu xây dựng, vật liệu mới và công nghiệp hỗ trợ của ngành sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy, điện tử; xây dựng phát triển hạ tầng khu công nghiệp; nông nghiệp công nghệ cao, dự án du lịch-vui chơi giải trí, trường đại học và trường nghề quốc tế, kêu gọi đầu tư vào các ngành dịch vụ như y tế, giáo dục- đào tạo...
Trao đổi tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ mong muốn, Chính phủ Việt Nam và chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc cần có cơ chế chính sách phù hợp để có thể nhập khẩu máy móc thiết bị cũ, máy móc thiết bị qua sử dụng nhưng chất lượng còn tốt, thời hạn sử dụng khoảng trên dưới 10 năm về Việt Nam để đưa vào hoạt động sản xuất, đồng thời nghiên cứu xem xét các điều kiện, cơ sở để tăng lương tối thiểu cho công nhân trong doanh nghiệp cho phù hợp.
Theo đại diện của Toyota Việt Nam, linh phụ kiện mua tại Việt Nam đắt hơn so với các nước khác, giá thành vận chuyển, đóng gói cao, thuế cho các linh phụ kiện cao nên sản xuất ôtô ở Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực. Vì thế cần xem xét điều chỉnh các chính sách về thuế, chính sách đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ để thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất ôtô thêm vững chắc, tiến triển cao hơn, nếu không công nghiệp ôtô Việt Nam sẽ khó khăn cạnh tranh với các nước khu vực.
Một số doanh nghiệp mong muốn, tỉnh Vĩnh Phúc cụ thể hóa, minh bạch hóa các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư hơn nữa, mang tính ổn định để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào tỉnh. Vĩnh Phúc cũng cần cải thiện đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, đặc biệt là nâng cao khả năng cấp điện để không xảy ra sự cố mất điện ảnh hưởng đến sản xuất.
Đại diện Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ quan điểm: “Các nhà đầu tư tại Vĩnh Phúc là công dân của tỉnh, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh,” do vậy, tỉnh cần đặc biệt quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng thành công khi đầu tư tại Vĩnh Phúc"./.