Doanh nghiệp Nhật lo căng thẳng thương mại với Hàn và tác động Brexit

Chủ tịch Keidanren nhận định các công ty nước này vẫn phải đối mặt với những rủi ro lớn từ căng thẳng gia tăng trong quan hệ thương mại Nhật-Hàn cũng như triển vọng không mấy chắc chắn của Brexit.
Doanh nghiệp Nhật lo căng thẳng thương mại với Hàn và tác động Brexit ảnh 1Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) Hiroaki Nakanishi. (Nguồn: japantimes)

Ngày 9/9, Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) Hiroaki Nakanishi nhận định các công ty nước này vẫn phải đối mặt với những rủi ro lớn từ căng thẳng gia tăng trong quan hệ thương mại Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như triển vọng không mấy chắc chắn của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit. 

Phát biểu trong buổi họp báo, ông Nakanishi, cũng là Chủ tịch Tập đoàn Hitachi Ltd, cho biết mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.

Ông nhận định "tình hình đã trở nên rất khó khăn," song hy vọng các hoạt động kinh doanh sẽ giúp mối quan hệ giữa hai nước láng giềng tốt lên.

Chủ tịch Keidanren cũng bày tỏ đặc biệt quan ngại về những tác động tiềm ẩn của Brexit, đồng thời nhấn mạnh cần theo dõi sát sao diễn biến liên quan tới vấn đề này.

[Tổng thống Hàn Quốc khẳng định hợp tác nếu Nhật Bản trở lại đối thoại]

Quan hệ giữa Seoul và Tokyo đã xấu đi nghiêm trọng sau các phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 tới cuối Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Nhật Bản luôn khẳng định vấn đề bồi thường đã được hai bên dàn xếp trong hiệp định ký kết năm 1965, theo đó Nhật Bản bồi thường bằng hình thức hỗ trợ tài chính trị giá 500 triệu USD.

Tuy nhiên, phía Hàn Quốc vẫn tiếp tục thực hiện phán quyết của tòa án, tịch thu và thanh lý tài sản của các công ty Nhật Bản.

Căng thẳng tiếp tục bị đẩy lên cao sau khi Tokyo hạn chế xuất khẩu sang Seoul 3 loại vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chíp điện tử và màn hình - các lĩnh vực mũi nhọn của Hàn Quốc, và loại Hàn Quốc ra khỏi "Danh sách Trắng" gồm các nước được hưởng quy chế ưu đãi thương mại.

Đáp lại, Seoul tuyên bố chấm dứt hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Tokyo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.