Doanh nghiệp Nhật ngỏ ý muốn giúp Hà Nội xây đường sắt đô thị

Tại buổi tọa đàm tối 16/1, một số doanh nghiệp Nhật Bản cho biết sẵn sàng giúp đỡ Hà Nội xây dựng hệ thống đường sắt đô thị; mong muốn tiếp tục có những đóng góp trong lĩnh vực này.
Doanh nghiệp Nhật ngỏ ý muốn giúp Hà Nội xây đường sắt đô thị ảnh 1Một đoạn dầm Cầu vượt đường sắt đô thị tuyến Metro số 1 sông Sài Gòn sử dụng vốn ODA của Nhật Bản. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Phu nhân từ ngày 16-17/1, tối 16/1, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam tổ chức Tọa đàm giữa Lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật Bản và địa phương Việt Nam.

Tham dự có đại diện lãnh đạo của 36 tỉnh, thành phố của Việt Nam và đại diện Lãnh đạo 26 tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản.

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh, cơ hội và tiềm năng hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản là rất lớn. Hiện nay, Nhật Bản là đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam lớn thứ hai và là đối tác thương mại lớn thứ tư tại Việt Nam. Nhật Bản đã đầu tư vào hầu hết các tỉnh, thành phố và lĩnh vực kinh tế trọng yếu của Việt Nam. Doanh nghiệp Nhật bản chính là kênh đối ngoại, giao lưu kinh tế thiết thực nhất, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương với nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội, chuyển đổi cơ cấu kinh tế…Việt Nam đánh giá cao những dự án đầu tư, kinh doanh nghiêm túc, hiệu quả của các nhà đầu tư Nhật Bản.

Khẳng định, với chức năng là cơ quan đầu mối về quản lý và xúc tiến đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cam kết tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp Nhật Bản vào đầu tư kinh doanh có hiệu quả cũng như hỗ trợ, kết nối các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bày tỏ vui mừng tham dự Tọa đàm với sự tham gia của đại diện các tỉnh, thành phố của Việt Nam, Trợ lý Thủ tướng Nhật Bản, ông Hiroto Izumi cho biết, hiện có hơn 1.600 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, có nhiều đóng góp cho các địa phương của Việt Nam. Chính phủ Nhật Bản hoan nghênh các hoạt động giao lưu phát triển kinh tế giữa các địa phương của hai quốc gia và mong muốn tiếp tục hỗ trợ cho các hoạt động hợp tác này phát triển. Ông Hiroto Izumi cho rằng, đây là cơ hội tốt để các địa phương của Việt Nam thông tin tới doanh nghiệp Nhật Bản về tiềm năng, thế mạnh phát triển cũng như chính sách hoàn thiện môi trường đầu tư thuận lợi.

Thảo luận về việc nhằm tăng giá trị cho sản phẩm càphê, đại diện một số tập đoàn lớn của Nhật Bản cho rằng, Việt Nam là nước có sản lượng càphê lớn thứ hai trên thế giới, nhằm tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm càphê, các địa phương có thế mạnh trong lĩnh vực này cần áp dụng công nghệ cao, gia công chế biến sản phẩm nông sản này, đồng thời cải tiến chất lượng càphê, mở rộng thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản và một số nước khác.

Nhấn mạnh, kế hoạch phát triển của các địa phương rất tiến triển, các giá trị gia tăng ngày càng tăng lên, đại diện một số doanh nghiệp của Nhật Bản cho rằng, mỗi tỉnh cần đưa ra những thế mạnh riêng để phát triển, thu hút đầu tư; nhấn mạnh lĩnh vực giao thông, vận tải là một trong những lĩnh vực doanh nghiệp Nhật Bản có thể hỗ trợ Việt Nam.

Chia sẻ một số những biện pháp giảm ùn tắc trên đường, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và hành khách, đại diện một số tập đoàn của Nhật Bản đề xuất cần hoàn thiện hệ thống đường sắt công cộng trong thành phố. Phía Nhật Bản sẵn sàng giúp đỡ Hà Nội xây dựng hệ thống đường sắt đô thị; mong muốn tiếp tục có những đóng góp trong lĩnh vực này.

Nhân dịp này, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản và đại diện lãnh đạo các địa phương của Việt Nam đã tập trung trao đổi về tiềm năng các lĩnh vực hợp tác như: công nghiệp chế tạo, nông nghiệp và chế biến thực phẩm, thương mại và dịch vụ…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.