Doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ Việt đang bị “thua trên sân nhà”

Đứng thứ 6 thế giới về sản xuất, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ, nhưng tại thị trường trong nước, ngành gỗ Việt Nam lại đang bị lấn át.
Doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ Việt đang bị “thua trên sân nhà” ảnh 1Sản xuất sản phẩm gỗ trang trí. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Đứng thứ 6 thế giới với trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ về xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ, nhưng tại thị trường trong nước, ngành gỗ Việt Nam lại đang bị lấn át bởi hàng gỗ nhập khẩu hoặc có mẫu mã nhập khẩu từ nước ngoài.

Chính những yếu kém trong liên kết, xúc tiến thương mại, xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm trong nước đã khiến doanh nghiệp, làng nghề sản xuất đồ gỗ Việt Nam chưa quan tâm đúng mức thị trường nội địa và đang bị “thua trên sân nhà.”

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 1.000 làng nghề chế biến gỗ, cùng hàng chục nghìn hộ gia đình làm nghề chế biến gỗ tập trung phần lớn ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Quảng Nam...

Nhu cầu về tiêu dùng đồ gỗ thị trường nội địa đã tăng mạnh và có nhiều tiềm năng, trong đó nhu cầu mua sắm đồ gỗ của các hộ gia đình là tương đối lớn, bình quân mỗi hộ gia đình cần mua sắm khoảng 6 triệu đồng cho đồ gỗ. Bên cạnh đó, nhu cầu đồ gỗ cho các khách sạn, văn phòng cho thuê và các khu đô thị mới cũng có xu hướng tăng nhanh.

Ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết bình quân tiêu dùng đồ gỗ thị trường nội địa trong 5 năm gần đây chiếm khoảng 40% tổng giá trị thương mại của đồ gỗ Việt Nam, với giá trị khoảng 2,25 tỷ USD. Cơ cấu sản phẩm đồ gỗ tham gia thị trường nội địa là 40% cho công trình xây dựng, 30% cho tiêu dùng nông thôn và tiêu dùng thành thị chiếm 30%.

Tuy nhiên, số lượng các đơn vị chế biến gỗ có quy mô vừa và lớn thực hiện đầu tư khai thác thị trường nội địa chiếm tỷ lệ thấp, hầu như chỉ có các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, cũng như các hộ chế biến thuộc các làng nghề.

Là địa phương có khoảng 20 làng nghề với 300 doanh nghiệp chế biến gỗ tập trung tại các huyện như Ý Yên, Nam Trực, Hải Hậu, Xuân Trường... nhưng hầu hết các cơ sở chế biến gỗ của Nam Định đều có các trang thiết bị máy móc đơn giản, phục vụ sơ chế và sản xuất các sản phẩm phục vụ tiêu thụ nội địa hoặc gia công, sơ chế nguyên liệu cho các doanh nghiệp quy mô lớn.

Ông Nguyễn Thế Trường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định cho biết do thiếu vốn sản xuất, khả năng huy động vốn hạn chế nên các làng nghề vẫn sử dụng công nghệ thiết bị lạc hậu, hiệu quả sản xuất không cao, khó có khả năng đáp ứng đơn hàng lớn. Các sản phẩm tiêu thụ nội địa của làng nghề gỗ Nam Định vẫn chỉ chú trọng vào một số sản phẩm kiểu dáng cũ.

Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, thị hiếu tiêu dùng đồ gỗ trong nước thường kết hợp với các vật liệu khác hoặc đồ gỗ làm từ ván nhân tạo có thiết kế nhẹ nhàng, hiện đại, giá rẻ.

Các sản phẩm này đang được các nước đi trước Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế biến ván nhân tạo “chào hàng” rất tốt. Các doanh nghiệp trong nước cũng nhận thấy tiềm năng từ thị trường này nhưng hiện tại Việt Nam sản xuất với giá cao hơn nên khó có khả năng cạnh tranh.

“Nhiều doanh nghiệp rất muốn chiếm lĩnh được thị trường trong nước nhưng gặp cái khó là sản xuất ít mà khâu phân phối lại dường như không có, trong khi làm xuất khẩu với khối lượng lớn, lại theo đơn hàng.

Có lẽ chính vì vậy, nên thị trường gỗ nội địa vẫn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp trong nước hướng tới,” ông Hoài nhận định.

Ngoài ra, một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp khi hướng vào thị trường nội địa là chưa tạo được thương hiệu sản phẩm để người tiêu dùng biết tới, chưa tạo được những sản phẩm có thiết kế phù hợp thị hiếu thị trường, chưa có hệ thống phân phối và giá bán hợp lý.

Bên cạnh đó, tại các làng nghề công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm, áp dụng công nghệ điện tử thương mại trong các làng nghề gỗ còn rất yếu kém.

Nhìn thẳng vào thực tế này, ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, đánh giá hiện thị trường đồ gỗ trong nước của Việt Nam mới chỉ có một số ít hệ thống phân phối ở quy mô nhỏ, điều này khiến cho sản phẩm của đồ gỗ Việt Nam, nhất là đồ gỗ của các làng nghề khó tiếp cận ngay “trên sân nhà.”

Việc sản xuất và tiêu thu đồ gỗ phần lớn là độc lập, khép kín theo kiểu bán buôn nhỏ hoặc “tự sản, tự tiêu,” chưa hình thành được hệ thống phân phối sản phẩm hợp lý và định hướng tiêu dùng nội địa.

Trước xu hướng phát triển của thị trường nội địa, một số làng nghề đã có sự liên kết, chuyên môn hóa trong sản xuất, cơ sở sản xuất chỉ chuyên sản xuất một hoặc một số chi tiết của sản phẩm.

Sự chuyên môn hóa này đã và đang có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như đáp ứng được các đơn hàng lớn.

Điển hình như làng nghề gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh) đã có sự liên kết với các làng lân cận như Hương Mạc, Phù Khê, Tam Sơn (Từ Sơn, Bắc Ninh), Văn Môn, Đông Thọ (Yên Phong, Bắc Ninh) lập thành hệ thống sản xuất theo dây chuyền.

Tuy đã có sự liên kết, chuyên môn hóa trong sản xuất nhưng theo ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hội Làng nghề gỗ Đồng Kỵ, trong tiêu thụ sản phẩm đồ gỗ nội địa thì các doanh nghiệp làng nghề lại cạnh tranh một cách tự phát hoặc cạnh tranh không lành mạnh, ít thấy có sự liên kết giữa các doanh nghiệp, các hộ sản xuất các làng nghề gỗ trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Ông Trịnh Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng các làng nghề gỗ, các doanh nghiệp sản xuất cùng loại sản phẩm cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau để chia sẻ thông tin thị trường, chọn một làng nghề gỗ hay một doanh nghiệp làng nghề gỗ đủ năng lực đứng đầu tổ chức, hợp tác sản xuất tạo ra những lô hàng lớn đảm bảo chất lượng, tìm kiếm thị trường phù hợp.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích liên kết giữa các làng nghề gỗ, các doanh nghiệp gỗ trong tiêu thụ sản phẩm bằng việc giảm thuế, cho vay tín dụng...; các cơ quan thương mại hỗ trợ tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi, giới thiệu thị trường cho các tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề gỗ và các doanh nghiệp làng nghề gỗ.

Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã định hướng và xây dựng các giải pháp để phát triển thị trường nội địa đối với đồ gỗ chế biến nhằm mục tiêu đạt 4 tỷ USD vào năm 2020.

Theo đó, các làng nghề, các doanh nghiệp chế biến gỗ phải đẩy mạnh việc đổi mới nguyên liệu phục vụ sản xuất, đổi mới mẫu mã, thiết kế để sản phẩm làm ra ngày càng phù hợp hơn với thị hiếu người tiêu dùng; cải tiến hình thức xúc tiến thương mại và đặc biệt là cùng chung tay, góp sức xây dựng được hệ thống phân phối sản phẩm đủ mạnh trên phạm vi cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.