Đã gần 20 năm trôi qua, kể từ khi có những luồng ý kiến khác nhau về amiăng, các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp fibro ximăng trong nước vẫn đang "thoi thóp" tồn tại và sản xuất cầm chừng để chờ đợi quyết sách cuối cùng từ Chính phủ, sau những tranh cãi kéo dài.
Trên thực tế, sản lượng tiêu thụ tấm lợp mỗi năm lại giảm, kéo theo hàng chục doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng hoạt động hoặc chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, hàng nghìn công nhân đã bị mất việc làm hoặc nghỉ không lương vô thời hạn.
Rất nhiều kiến nghị, kêu cứu
Luật Đầu tư đã quy định amiăng trắng – loại nguyên liệu đầu vào quan trọng trong ngành sản xuất tấm lợp fibro xi măng - thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp nhiều năm nay đã phải gồng mình chống đỡ lại hậu quả của các chiến dịch vận động nhằm ban hành lệnh cấm amiăng trắng hoặc vận động người dân tẩy chay loại tấm lợp này.
Thông tin đồn thổi về các ca ung thư trung biểu mô do phơi nhiễm với amiăng trắng đã khiến nhiều người hoang mang, lo sợ. Trong khi đó các nghiên cứu của Bệnh viện Xây dựng – Bộ Xây dựng và nghiên cứu của Bộ Y tế gần 20 năm qua đã chứng minh không tìm thấy bất cứ trường hợp nào bị ung thư trung biểu mô do phơi nhiễm với amiăng trắng tại nơi làm việc hay do sống dưới mái nhà lợp tấm fibro xi măng.
Tại văn bản kiến nghị số 07/HHTLVN gửi Đảng, Quốc hội và các cơ quan Bộ ngành Chính phủ ngày 22/4/2019, Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam đã đề nghị cần phải phân biệt sự khác nhau rõ ràng giữa sợi amiăng trắng với các loại sợi thuộc nhóm amiăng amiăng nâu, xanh. Tuy có cùng tên thương mại nhưng chúng khác nhau về cấu trúc, tính chất hoá lý và mức độ gây ảnh hưởng.
Các loại amiăng nâu và xanh với cấu trúc sợi dạng nhám, hình kim, đã gây ra nhiều ca bệnh nghiêm trọng về phổi nên bị cấm từ nhiều năm nay trên toàn thế giới. Riêng sợi amiăng trắng vẫn được 139 quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép sử dụng có kiểm soát trong đó có các cường quốc lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, các nước vùng Đông Nam Á… để sản xuất các sản phẩm fibro xi măng như mái ngói, bể chứa nước, đường ống nước hoặc các sản phẩm ma sát, cách điện, cách nhiệt như gioăng lò hơi, má phanh thang máy, ô tô, máy bay, quần áo chống cháy…
Giám đốc Nhà máy Tấm lợp Trung Nam trong công văn kêu cứu gửi tới Chính phủ đã kiến nghị khi một vài tổ chức lấy lí do vì sức khoẻ cộng đồng nên đã đi đến các khu vực dân cư thí điểm tháo dỡ tấm fibro xi măng nhằm thay thế bằng tấm tôn. Họ mặc quần áo bảo hộ lao động, đeo khẩu trang chống độc khi tháo dỡ mái nhà để quay phim chụp ảnh rồi tuyên truyền nhằm gây lo lắng, bất an, sợ hãi trong bà con. “Trong khi công nhân chúng tôi tiếp xúc trực tiếp với amiăng từ mấy chục năm qua nhưng hàng năm khi khám sức khoẻ nghề nghiệp và chụp XQ phổi chúng tôi đều mạnh khoẻ không có vấn đề gì.”
Ông Lê Văn Nghĩa – Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần Đầu tư, Xây lắp và Vật liệu Xây dựng Đông Anh chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn chính sách ổn định, nhà nước có quan điểm phân định rõ ràng trước những tranh cãi để doanh nghiệp hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh, hoặc yên tâm sản xuất, đầu tư dây chuyền công nghệ chuẩn. Doanh nghiệp cam kết đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của cơ quan quản lý.”
Nhu cầu thị trường cao, xu hướng tiêu dùng của người dân cần sự đổi mới nhưng doanh nghiệp không thể làm
Có mặt ở Việt Nam từ những năm 1963, tấm lợp fibro ximăng là loại tấm hữu dụng đối với bà con vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, những hộ gia đình có thu nhập thấp vì không bị cong vênh trong điều kiện khí hậu thay đổi đột ngột, không như tấm tôn dễ bị hoen gỉ bởi hơi nước biển, sương muối, khói bếp hoặc axit có trong phân của gia súc, gia cầm.
Tuy nhiên, nhiều năm qua loại tấm này vẫn giữ nguyên một màu sắc và kiểu dáng thiết kế truyền thống trong khi xu hướng và nhu cầu của bà con ngày càng thay đổi.
Trong chuyến đi khảo sát về kinh nghiệm quản lý và sử dụng amiăng trắng an toàn của Nga do Bộ Xây dựng tổ chức vào tháng 6 vừa qua với sự tham gia của đại diện các Bộ ban ngành liên quan, Thứ trưởng Bộ Xây dựng - ông Nguyễn Văn Sinh đã thắc mắc tại sao các doanh nghiệp Việt Nam lại không đầu tư công nghệ để làm ra được những sản phẩm đẹp mắt, đa dạng về chủng loại như của Nga, Brazil và Thái Lan?
[Làm rõ hơn về cơ sở pháp lý của đề án dừng sử dụng amiăng]
Trên thực tế, các doanh nhiệp sản xuất tấm lợp fibro xi măng đã sẵn sàng đầu tư hệ thống máy móc công nghệ cao để đa dạng hoá sản phẩm mà giá thành tấm vẫn rẻ, phù hợp với nhu cầu của người nghèo. Tuy nhiên, việc đầu tư thực sự quá rủi ro khi doanh nghiệp không biết ngày nào thì nhà máy sẽ bị đóng cửa. Viễn cảnh mất trắng hàng chục tỷ đồng khiến doanh nghiệp chỉ dám hoạt động cầm chừng.
Những chiến dịch truyền thông vận động cấm sử dụng amiăng trắng và đề xuất chuyển đổi sang sử dụng sợi thay thế PVA từ Nhật Bản đã ca tụng loại sợi này như là một giải pháp hữu hiệu, loại bỏ được các nguy cơ bệnh tật. Tuy nhiên, dự án nhà máy thí điểm tấm sợi PVA - Công ty Cổ phần Navifico Thành phố Hồ Chí Minh - do Nhật Bản tài trợ đã đóng cửa vào năm 2017 sau 3 năm sản xuất do tấm sợi bị giòn, dễ vỡ và giá thành cao gấp đôi tấm fibro ximăng.
Công ty Cổ phần Tân Thuận Cường – Hải Dương từ năm 2008 cũng đã phải chuyển sang sử dụng amiăng trắng để sản xuất tấm lợp fibro ximăng nhằm duy trì hoạt động của nhà máy, tạo công ăn việc làm cho người lao động và trả lương công nhân. Hiện nay, nhà máy Tân Thuận Cường cũng là một doanh nghiệp đi đầu trong ngành về đa dạng hoá sản phẩm, thử nghiệm các loại tấm phẳng, tấm màu và được thị trường người tiêu dùng đón nhận.
Gánh nặng nghìn tỷ khi cấm amiăng trắng
Theo báo cáo nghiên cứu Đánh giá tác động kinh tế của việc cấm amiăng trắng tại Việt Nam - Trường hợp tấm lợp Fibro ximăng (2015) của Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chi phí kinh tế Chính phủ phải đầu từ nếu thay thế hơn 80 triệu m2 tấm lợp fibro xi măng đang được người dân sử dụng bằng một loại tấm khác sẽ là 454,5 nghìn tỉ đồng, chưa bao gồm chi phí tiêu huỷ các loại tấm sau thay thế.
Người tiêu dùng cũng phải chi trả nhiều hơn 183,5 nghìn tỉ đồng nếu thay thế bằng tấm lợp PVA vì loại tấm này có giá thành cao hơn nhưng thời gian sử dụng thấp hơn và dao động từ 300 – 600 nghìn tỉ nếu lựa chọn sản phẩm thay thế có giá thành cao hơn khác. 395,2 tỉ đồng là chi phí kinh tế đối với ngành sản xuất tấm lợp fibro xi măng khi phải thay đổi công nghệ, lắp đặt trang thiết bị và đào tạo lại lao động.
Bởi vậy, các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp fibro xi măng mong ngóng một quyết sách công minh, dựa trên cơ sở pháp lý, các bằng chứng khoa học và cơ sở thực tiễn; đồng thời, quyết sách cuối cùng này cần phải được tuân thủ và thực thi bởi các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan, kể cả khi không có cùng mục tiêu và lợi ích./.