Ngày 19/9, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các hiệp hội doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2014, đồng thời ký tuyên bố chung về Chương trình hành động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với thông điệp quan trọng: Liên kết doanh nhân Việt, sát cánh với Chính phủ, đồng hành cùng doanh nhân quốc tế, xây dựng một nền kinh tế tự chủ, có sức cạnh tranh cao.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp sẽ phối hợp thực hiện 4 nhóm hành động gồm Chung tay cùng các cơ quan Chính phủ góp phần đột phá thể chế, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế; Xây dựng và thực hiện các chương trình phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập của doanh nghiệp; Tăng cường liên kết, xây dựng hệ thông hiệp hội doanh nghiệp vững vàng; Nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh và xây dựng văn hóa kinh doanh đậm đà bản sắc dân tộc của doanh nhân Việt.
Phát biểu tại sự kiện này, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đánh giá cao việc VCCI luôn phối hợp tích cực, hiệu quả với các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, xây dựng cơ chế đối thoại với các tỉnh, địa phương, thảo luận rộng rãi với cộng đồng doanh nghiệp để tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong xây dựng chính sách, pháp luật; từng bước hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Theo Phó Chủ tịch nước, VCCI đã phát huy sức mạnh sáng tạo, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại-đầu tư ở tầm quốc gia; tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, hội thảo, đào tạo, khảo sát thị trường... giúp các doanh nghiệp có đầy đủ thông tin về tình hình kinh tế trong nước và thế giới, đưa ra những nhận định, quyết định hợp lý, đồng thời hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khắc phục khó khăn, giữ vững niềm tin, từng bước ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện hội nhập hiệu quả vào nền kinh tế thế giới.
Phó Chủ tịch nước cho rằng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân hơn lúc nào hết cần tranh thủ thời cơ, nắm bắt các quan hệ thị trường, cung-cầu, hợp tác, cạnh tranh để phát triển. Các doanh nhân cần không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ quản lý, vừa mở rộng quan hệ quốc tế, vừa giữ vững độc lập, tự chủ. Doanh nghiệp phải lấy kinh doanh phục vụ lợi ích dân tộc, lợi ích nhân dân; lấy chữ tín làm đầu để đảm bảo làm ăn lâu dài...
Theo VCCI, cả nước đã hình thành mạng lưới liên kết trên 300 hiệp hội doanh nghiệp; trong đó có khoảng 1/3 số hiệp hội có phạm vi hoạt động toàn quốc. Ngoài 4,6 triệu hộ kinh doanh cá thể, riêng khối doanh nghiệp đã thu hút khoảng 11 triệu lao động.
Trong những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã nỗ lực ổn định sản xuất-kinh doanh, đóng góp quan trọng vào việc duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo việc làm cho người lao động và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội./.