Giảm chi phí bán hàng, thị trường được mở rộng… việc tận dụng thương mại điện tử nhằm nâng cao ưu thế cạnh tranh trong hội nhập kinh tế toàn cầu đã và đang được các doanh nghiệp đẩy mạnh để thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt.
Lĩnh vực nhiều tiềm năng
Mỗi tháng, cơ sở của anh Hoàng Trung (Hà Nội) cung ứng ra thị trường hàng chục tấn nông sản vùng miền. Thay vì bán hàng theo cách truyền thống, các địa chỉ bán hàng trên Facebook, Zalo hay một số sàn thương mại điện tử đã được đơn vị này đẩy mạnh và kết quả thu về cũng ngày một tích cực.
Theo anh Hoàng Trung, sau hơn 2 năm đại dịch COVID-19 (2019-2021), việc bán hàng trực tiếp gặp nhiều khó khăn và nhiều thời điểm gián đoạn do thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh hay giãn cách xã hội.
Chính vì vậy, để việc bán hàng thuận lợi, tiết kiệm chi phí, anh đã đẩy mạnh bán hàng online cũng như qua các kênh thương mại điện tử, nhờ vậy, khách hàng dù ở xa vẫn có thể mua được sản phẩm chỉ cần lướt web và click chuột sau đó ấn định thời gian nhận hàng.
“Với việc tận dụng thương mại điện tử, doanh thu bán hàng của đơn vị có thể tăng gấp 2-3 lần, trong khi các chi phí trước kia như thuê cửa hàng hay thuê nhân viên có thể dùng để nâng cao chất lượng dịch vụ,” anh chia sẻ.
[Doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, khẳng định vị thế sân nhà]
Còn theo ông Lê Văn Tòng, Trưởng ban kinh doanh trực tuyến Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), người mua hàng online các sản phẩm của doanh nghiệp cao hơn 2,4% so với việc mua hàng trực tiếp từ các đại lý, siêu thị. Điều đã này chứng tỏ được sức hút của thương mại điện tử trong việc mua sắm, tiêu dùng ngày nay.
“Hiện nay 70% dân số Việt Nam tiếp cận Internet và đa phần là người trẻ, đây chính tiềm lớn trong việc phát triển lĩnh vực thương mại điện tử,” ông Tòng nhấn mạnh.
Mua sắm trên các sàn thương mại điện tử dần trở thành thói quen của người tiêu dùng, dẫn đến lượt truy cập lớn và ổn định. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể tiếp cận với một lượng lớn khách hàng tiềm năng có sẵn đã và đang tiếp tục mua sắm tích cực.
Nói về ưu thế của thương mại điện tử, ông Trần Đình Toản, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB, đại lý ủy quyền của Tập đoàn Alibaba tại Việt Nam đánh giá rất cao sự chuyển dịch nền kinh tế số và xu hướng mua sắm trong và sau đại dịch COVID-19 cùng với việc tham gia các hiệp định thương mại quốc tế đã góp phần thúc đẩy thương mại điện tử phát triển tại Việt Nam.
Theo ông, trước kia nếu việc kinh doanh cần phải mở cửa hàng ở khu phố hay các hệ thống đại lý thì bây giờ người bán hàng có thể trực tiếp lên Internet mở các “trung tâm thương mại.”
“Chỉ có Internet mới tạo ra được sàn giao dịch lên đến hàng triệu doanh nghiệp, hàng tỷ sản phẩm và lượng khách hàng khổng lồ. Nhiều doanh nghiệp có doanh số tăng lên đến 70-80% khi tham gia các sàn thương mại quốc tế,” ông Toản nhấn mạnh.
Tạo ưu thế cạnh tranh
Thị trường thương mại điện tử đang ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia, các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại hơn khi có sự hỗ trợ từ số hóa và công nghệ thông tin.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, thị trường thương mại điện tử đang trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn, mang đến cơ hội mới từ phía cầu thị trường trên cơ sở làm thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng, chuyển từ thói quen mua hàng truyền thống sang mua hàng qua thương mại điện tử.
Báo cáo Kinh tế khu vực Đông Nam Á đánh giá cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế Internet Việt Nam nhanh nhất trong khu vực, từ 18 tỷ USD năm 2021 lên quy mô 23 tỷ USD trong năm 2022. Trong đó, 14 tỷ USD là từ lĩnh vực thương mại điện tử, dự báo kinh tế Internet Việt Nam có thể đạt mức 49 tỷ USD vào năm 2025, trong đó thương mại điện tử chiếm tới 32 tỷ USD.
Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng Ban cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho biết hiện nay đa phần các doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn thành phố đều tiếp cận việc tiếp thị thông qua các nền tảng số như các nền tảng mạng xã hội facebook, youtube, tiktok hay... Có 50% doanh nghiệp đã tìm hiểu về thương mại điện tử và nhiều doanh nghiệp trong số đó đã sử dụng kênh phân phối hàng hóa là các sàn giao dịch điện tử.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thông tin, bước vào giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Đặc biệt, ưu thế lớn nhất của thương mại điện tử giúp khắc phục khoảng cách về địa lý, tiếp cận lượng khách hàng lớn; Tiết kiệm chi phí; Cung cấp thông tin so sánh giá; Tạo nhiều chương trình Marketing; Chăm sóc khách hàng…
Để nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực này, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cũng đặc biệt quan tâm phát triển thương mại điện tử, nhiều chương trình và giải pháp đã được triển khai, tạo điều kiện hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm Việt, nông sản địa phương trên môi trường trực tuyến.
Điển hình, trong năm 2022, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều chương trình kết nối thương mại điện tử, hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa và tạo thói quen mua sắm qua thương mại điện tử đối với người tiêu dùng.
Thông qua đó, hàng Việt đã được quảng bá, xuất khẩu thông qua các chương trình hợp tác về thương mại điện tử xuyên biên giới với các đối tác là sàn thương mại điện tử quốc tế lớn như Amazon, Alibaba… để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đẩy mạnh xuất khẩu.
Nhờ đó, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nông sản thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp tiêu dùng… được xuất khẩu trực tiếp từ doanh nghiệp sản xuất đến thị trường của nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, để thương mại điện tử phát triển, các chuyên gia kinh tế cho rằng doanh nghiệp cần hiểu rõ ngành hàng, xu hướng tiêu dùng, khả năng kinh doanh để lựa chọn những sản phẩm ngách có nhu cầu cao và phù hợp với lĩnh vực kinh doanh. Cùng với đó, luôn quan tâm đến chất lượng sản phẩm, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn và luật định đối với sản phẩm tại thị trường mục tiêu…/.