Doanh nghiệp Thái Lan kêu gọi chính phủ kiềm chế can thiệp vào giá gạo

Các chủ hàng muốn chính phủ mới tập trung vào chiến lược sản xuất gạo, trong đó chú trọng phát triển giống lúa mới bởi điều này rất quan trọng cho tương lai của gạo Thái Lan.
Doanh nghiệp Thái Lan kêu gọi chính phủ kiềm chế can thiệp vào giá gạo ảnh 1Nông dân thu hoạch lúa trên cánh đồng tại tỉnh Chiang Mai, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chủ tịch Danh dự Hiệp hội các nhà Xuất khẩu Gạo Thái Lan Chookiat Ophaswongse đã lên tiếng kêu gọi chính quyền mới ở nước này kiềm chế mọi hoạt động hoặc kế hoạch can thiệp vào giá gạo, để thị trường hoạt động tự nhiên.

Theo ông Chookiat, các chủ hàng muốn chính phủ mới tập trung vào chiến lược sản xuất gạo, trong đó chú trọng phát triển các giống lúa mới do chính quyền tiền nhiệm thiết lập, bởi điều này rất quan trọng cho tương lai của gạo Thái Lan.

Ông Chookiat nói: “Sau các buổi giới thiệu sản phẩm và thảo luận với khách hàng ở Philippines, Malaysia và Indonesia, chúng tôi nhận thấy họ rất quan tâm đến giá cả. Nỗ lực giảm chi phí cho nông dân, tăng năng suất và phát triển các giống lúa mềm phù hợp với nhu cầu thị trường là điều quan trọng nhất."

[Giá gạo trên thị trường thế giới vẫn chưa có dấu hiệu giảm]

Ông Chookiat nhìn nhận nhiều quốc gia đã đạt được tiến bộ đáng kể trong nghiên cứu và phát triển (R&D), tạo ra các giống lúa có khả năng cạnh tranh với gạo Thái Lan. Đơn cử, giống gạo thơm hom mali của Thái Lan chỉ có thể được trồng mỗi năm một vụ và gạo mất mùi thơm sau thời gian đầu vụ. Ngược lại, gạo thơm của Việt Nam có thể trồng nhiều vụ trong vòng ba tháng nên nguồn cung gạo thơm ổn định.

Bên cạnh đó, ông Chookiat cũng hối thúc chính phủ cải thiện hệ thống thủy lợi, như kênh và hồ chứa, vì nếu không có hành động thì xuất khẩu gạo của Thái Lan có thể xấu đi.

Đồng quan điểm, ông Nipon Puapongsakorn, một thành viên nổi tiếng tại Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan, cũng cho rằng nên tránh can thiệp vào thị trường về mặt định giá hoặc cầm cố gạo. Ông Nipon nói nếu cần có chính sách hỗ trợ, giá gạo không nên đặt quá cao và việc hỗ trợ giá phải kèm theo các điều kiện, như yêu cầu nông dân tham gia quan tâm đến môi trường thông qua các biện pháp như canh tác khô và ướt xen kẽ do khan hiếm nước, áp dụng kỹ thuật nông nghiệp tái tạo, áp dụng công nghệ mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.