Ngày 13/9 tại Hà Nội, Hiệp hội Thép Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Ngành Thép Việt Nam hướng tới Chiến lược Tăng trưởng Xanh.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện của Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Hiệp hội Thép Đông Nam Á, Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC cùng hơn 200 doanh nghiệp trong ngành thép và một số chuyên gia độc lập.
Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép, nhận định đây sẽ là diễn đàn cung cấp và trao đổi thông tin đa chiều và cập nhật nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng, chuyên gia-nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng các cơ quan quản lý nhà nước về quy định chính sách, pháp luật của Việt Nam, khu vực và quốc tế nhằm giúp các doanh nghiệp thép sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển phù hợp với Chiến lược Xanh của đất nước và quốc tế.
“Việc phát triển ngành công nghiệp Thép Việt Nam hướng tới Chiến lược Tăng trưởng Xanh có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và chỉ đạo của Trung ương,” ông Đa khẳng định.
Ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học là những vấn đề quan trọng của nhân loại.
Thời gian qua, trên toàn cầu đã có nhiều sáng kiến, giải pháp được nghi nhận như phát triển Kinh tế Xanh, Kinh tế Tuần hoàn, Kinh tế carbon thấp…
Cùng với đó, đã hình thành các khung pháp lý và thỏa thuận toàn cầu để định hướng lộ trình hành động vì khí hậu, như Chương trình Mục tiêu Phát triển Bền vững, Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, Công ước Đa dạng Sinh học… đang được các quốc gia tích cực thực hiện.
Theo đại diện Tập đoàn Hòa Phát, "hiện, đơn vị đang làm kiểm kê phát thải khí nhà kính theo yêu cầu của Chính phủ cũng như để đáp ứng cho xuất khẩu sang châu Âu. Khi xuất khẩu hàng hóa thì việc kiểm kê khí nhà kính này sẽ được việc tính toán rất phức tạp. Sắp tới, chúng ta sẽ có số liệu cụ thể về vấn đề này, sẽ rõ ràng hơn."
Một vấn đề hiện nay là việc thực hiện giảm phát thải sẽ tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sản xuất thép đều chịu tác động chi phí đó. Đây là khó khăn nhưng cũng là động lực cho doanh nghiệp để hướng tới xuất khẩu mạnh hơn sang các thị trường, đại diện Hòa Phát cho biết.
Tiến sỹ Lương Quang Huy, Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết với doanh nghiệp có 2 khía cạnh phải đối mặt là các văn bản quy phạm pháp luật mới để thực hiện, bắt nguồn từ Luật Bảo vệ Môi trường 2020, bắt buộc chúng ta phải giảm pháp thải khí nhà kính theo quy định.
Song song đó là các Nghị định, Quyết định của Chính phủ liên quan cam kết thực hiện giảm phát thải ròng.
Ngoài ra, dự báo thời gian tới, các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng sẽ thực hiện cơ chế carbon xuyên biên giới, đây là sức ép thứ 2 doanh nghiệp phải chịu bên cạnh các quy định về môi trường trong nước.
[Thị trường thép Việt Nam có thể phục hồi vào cuối năm 2023]
Các chuyên gia đặt vấn đề, doanh nghiệp thép cần hàng triệu tấn than cốc để sản xuất, thời gian tới để thay thế sẽ lấy từ nguồn năng lượng sạch nào, chi phí là bao nhiêu, với tỷ lệ nào, thì chưa có thể đánh giá được.
Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng Xanh Bộ Công Thương nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu phải được lồng ghép trong mọi chương trình, kế hoạch, chiến lược phát triển ngành công thương nhằm đảm bảo sự thích ứng linh hoạt với các tác động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn do biến đổi khí hậu gây ra, đảm bảo cho sự phát triển, tăng trưởng ổn định của ngành.
Tại hội thảo, ông Tâm cũng đã giới thiệu về Chiến lược Tăng trưởng Xanh của ngành Công Thương cũng như các hoạt động đang triển khai trong việc cập nhật, tạo dựng hành lang pháp lý cho việc thực hiện Tăng trưởng Xanh, giảm phát thải khí nhà kính của ngành Công Thương.
Theo ông Nghiêm Xuân Đa, công nghiệp Thép Việt Nam trong thời gian qua đã từng bước phát triển cùng với sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và có nhiều đóng góp lớn vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như sự tăng trưởng kinh tế của các địa phương.
Đặc biệt từ năm 2015 đến nay, ngành thép đã có bước phát triển và trở thành nhà sản xuất thép thô thứ 13 thế giới, đứng đầu ASEAN về sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm.
Ngành Thép Việt Nam đang từng bước nỗ lực chuyển đổi, tối ưu hóa công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, tận dụng nhiệt thừa trong quá trình sản xuất để phát điện... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngành thép vẫn là một ngành có phát thải khí nhà kính lớn và tác động tới môi trường.
Theo tính toán của chuyên gia, ngành thép chịu trách nhiệm cho 7% tổng lượng phát thải quốc gia và khoảng 46% các quá trình công nghiệp.
"Việc chuyển đổi sản xuất thép từ 'thép xám' sang 'thép xanh' là xu thế không thể dừng lại và không nằm ngoài chủ trương phát triển ngành công nghiệp Việt Nam và hội thảo lần này là cơ hội để các doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về xu hướng phát triển xanh của thế giới và trách nhiệm thực hiện sản xuất xanh nhằm đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý trong nước và thị trường quốc tế," ông Đa cho biết.
Bốn phiên thảo luận tập trung vào các chủ đề Công nghiệp Thép Việt Nam hướng tới mục tiêu trung hòa carbon năm 2050; Kinh nghiệm, lộ trình trung hòa carbon của các quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam; Định hướng huyển đổi công nghệ hướng tới trung hòa carbon trong sản xuất thép và cơ chế hợp tác; Lộ trình Chuyển đổi Xanh của cộng đồng doanh nghiệp./.