Kể từ ca nhiễm COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 23/1 đến nay, diễn biến dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng. Bối cảnh đó đã đặt các doanh nghiệp nói chung và đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp với việc chủ động các phương án phòng chống dịch, linh hoạt trong quản trị đang nỗ lực tìm ra những cơ hội để có thể vượt qua giai đoạn đầy “chông gai” này.
Nhà máy chạy hết công suất
Trong bối cảnh kinh tế giảm sút, Công ty Chế biến nông sản Việt xanh (Ninh Bình) vẫn duy trì dây chuyền sản xuất chạy hết công suất. Để làm được điều này, ông Nguyễn Trường Nghĩa, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cho biết đơn vị đã sớm có những kế hoạch ứng phó đồng thời tăng cường hoạt động marketing mở rộng thị trường xuất khẩu.
“Thời gian trước Tết, các đơn hàng rất chậm, song hiện tại Công ty lại nhận được nhiều đơn hàng mà chủ yếu là thị trường Nga. Lượng hàng xuất đi rất đều vì thế nhà máy phải tăng cường sản xuất, các công nhân chia nhau làm ca từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối/mỗi ngày. Thêm vào đó, thời điểm này đang là mùa thu hoạch hoa quả, sản lượng dứa trên thị trường rất cao nhưng không xuất được quả tươi sang Trung Quốc do diễn biến dịch bệnh. Vì vậy, Công ty càng phải đẩy mạnh sản xuất để xử lý nguồn cung vốn đang rất dồi dào này,” ông Nghĩa nói.
[Yêu cầu các tỉnh mở thêm điểm bán hàng tạm thời để đảm bảo nguồn cung]
Điều này cũng đang diễn ra tại Công ty Rau cười Việt Nhật (Thành phố Hồ Chí Minh). Chị Phạm Thị Bích Lan-Giám đốc Công ty cho hay đang khẩn trương tổ chức sản xuất, với 100% công nhân và nhân viên làm việc nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng khi mà hoạt động tích trữ gia tăng.
Tuy nhiên, việc vận chuyển rau, quả từ Buôn Mê Thuột về Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn do nhà xe chỉ cung ứng 1 chuyến/ngày. Do vậy, chị Lan phải tính toán, tìm cách phối hợp với một số doanh nghiệp kinh doanh nông sản khác để có thể chủ động thuê xe vận tải chung.
Tương tự, Công ty Hanhsilk (Thái Bình) hiện vẫn duy trì được lượng khách hàng nội địa và đảm bảo 100% việc làm cho các xã viên, công nhân, nhân viên nhờ tổ chức chuỗi sản xuất từ khâu thu mua kén tại vùng trồng dâu nuôi tằm tới sản xuất lụa, đũi theo phương thức thủ công, sau đó thương mại hóa và đưa sản tới tay người tiêu dùng.
Chị Lương Thanh Hạnh, Giám đốc của Hanhsilk chia sẻ: “Các sản phẩm của Công ty lâu nay đã được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng, do đó nhu cầu mua hàng trong nước vẫn rất cao với các sản phẩm như khăn tắm, khăn mặt, sản phẩm massage… Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đẩy mạnh bán hàng qua các kênh thương mại điện tử nhằm thu hút thêm lượng khách hàng đến với Công ty.”
Ngoài ra, chị Hạnh cũng cho hay từ ngày 1/4, tất cả các nhân viên văn phòng đã làm việc online, các xưởng may và dệt sản xuất riêng biệt, các xã viên giao hàng để hàng ở đầu ngõ và liên lạc qua điện thoại hoặc ghi vào giấy. Tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm, chỉ có nhân viên kế toán có mặt và làm cả các công việc xuất, đóng hàng cho khách.
“Trong cái rủi có cái may”
Đại dịch diễn ra trên diện rộng khiến cho các nhà nhập khẩu ngừng nhập hàng, trong khi kênh bán nội địa tại các siêu thị lại chững lại. Trước tình thế đó, chị Lê Thị Thương, Phó giám đốc Công ty Hồ tiêu Việt (Thành phố Hồ Chí Minh), cho biết Công ty đã tìm kiếm kênh bán hàng mới đồng thời cải tiến sản phẩm phù hợp với bối cảnh thị trường. Tại thời điểm này, Công ty của chị Thương đã chuyển đổi gần như hoàn toàn sang kênh bán hàng online trên Amazon.
“Trong cái rủi có cái may! Kinh doanh trên Amazon rất hiệu quả, các đơn hàng không ngừng tăng kể từ đầu mùa dịch bệnh đến nay. Hiện tại, công nhân của Công ty đang phải làm tăng ca, sản xuất cả ngày và đêm. Giờ, điều quan trọng nhất với chúng tôi là tuyên truyền, bảo vệ sức khỏe người lao động, hạn chế tiếp xúc cộng đồng dẫn đến phải cách ly hoặc thậm chí có người nhiễm bệnh là phải dừng sản xuất,” chị Thương chia sẻ.
Với các đồ thủ công mỹ nghệ không phải là hàng hóa thiết yếu, nếu như vào đầu mùa dịch hoạt động xuất khẩu sang các thị trường châu Âu và Mỹ vẫn tương đối ổn thì sang đến giai đoạn này, các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành đã bắt đầu “ngấm đòn.”
Chị Mai Thị Anh Đào, Trưởng phòng phát triển kinh doanh của Doanh nghiệp Tư Nhân sản xuất-kinh doanh xuất khẩu Việt Trang (Thanh Hóa), cho biết hai thị trường chính của Công ty là châu Âu và Mỹ đã dừng tất cả các đơn hàng mới, thậm chí những đơn cũ cũng chưa thể xuất cảng. Tuy nhiên, Công ty của chị Đào đã phát triển thêm một dòng sản phẩm mới liên quan đến thú cưng và được thị trường Nhật Bản ưa thích, nhờ đó bà con xã viên hoạt động sản xuất vẫn đều đặn và thu nhập được duy trì.
“Bộ phận văn phòng của Công ty hoạt động bình thường, tuy nhiên có thể 3-6 tháng tới người tiêu dùng sẽ thắt chặt chi tiêu, do đó chúng tôi đang phát triển hệ thống bán hàng online với hoạt động marketing đa phương tiện,” chị Đào nói.
Mặc dù, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đã từng bước linh hoạt thích ứng với thị trường, song giới phân tích nhận định diễn biến đại dịch vẫn rất phức tạp, thời gian hết dịch là chưa thể xác định. Thêm vào đó, hậu dịch-những ảnh hưởng tiêu cực sẽ thực sự “thẩm thấu” vào nền kinh tế. Do đó, chặng đường trước mắt vẫn vô cùng thách thức với các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ./.
Bài 2: Khi nhà quản trị phải “ôm đầu, bó gối” trước “con virus”