Doanh nghiệp vẫn hạn chế trong nắm bắt các ưu đãi từ Hiệp định CPTPP

Trong số 20 doanh nghiệp được hỏi thì chỉ có duy nhất một doanh nghiệp biết rõ về các cam kết của Hiệp định CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình.
Doanh nghiệp vẫn hạn chế trong nắm bắt các ưu đãi từ Hiệp định CPTPP ảnh 1Doanh nghiệp vẫn hạn chế trong nắm bắt các ưu đãi từ Hiệp định CPTPP. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới có quy mô lớn nhất mà Việt Nam từng tham gia.

Tính đến thời điểm này, Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực tại Việt Nam được 2 năm và đã có nhiều cam kết của hiệp định đã được triển khai trên thực tế.

Sự gia tăng về kim ngạch thương mại và khả năng thu hút các nguồn lực đầu tư từ nước ngoài giữa Việt Nam với các đối tác của Hiệp định CPTPP, cùng với những chuyển biến tích cực về cải cách thể chế ở Việt Nam trong giai đoạn này là những kết quả lạc quan. Tuy nhiên, việc tận dụng cơ hội và nắm bắt các ưu đãi từ Hiệp định CPTPP từ các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.

[Các FTA thế hệ mới: 'Đòn bẩy' thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam]

Theo khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), CPTPP là hiệp định thương mại tự do được doanh nghiệp biết đến nhiều nhất ở Việt Nam, với 69% doanh nghiệp từng nghe nói hoặc hiểu biết sơ bộ.

Năm doanh nghiệp được hỏi thì có một doanh nghiệp cho biết có hiểu biết nhất định về các cam kết của Hiệp định CPTPP.

Tuy nhiên, trong số 20 doanh nghiệp được hỏi thì chỉ có duy nhất một doanh nghiệp biết rõ về các cam kết của Hiệp định CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình.

Đánh giá trong nhóm các doanh nghiệp về mức độ hiểu biết các cam kết Hiệp định CPTPP cũng không đồng đều.

Cụ thể, các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài có tỷ lệ hiểu biết về Hiệp định CPTPP cao nhất chiếm 29,7%, tiếp đến là các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước có tỷ lệ 27,3%.

Các doanh nghiệp dân doanh thuộc nhóm ít hiểu biết về CPTPP nhất cũng đạt được mức 22,6%.

Doanh nghiệp vẫn hạn chế trong nắm bắt các ưu đãi từ Hiệp định CPTPP ảnh 2Các doanh nghiệp dân doanh thuộc nhóm ít hiểu biết về CPTPP nhất. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), xuất phát từ vấn đề nhận thức và hiểu biết chưa hoàn toàn đầy đủ, thấu đáo dẫn tới tỷ lệ các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng lợi từ các cam kết CPTPP cũng chưa nhiều.

Mặc dù, đa số các doanh nghiệp tham gia khảo sát của VCCI đều đánh giá tích cực về tác động chung của Hiệp định CPTPP nhưng chỉ có 24,7% doanh nghiệp Việt cho biết đã từng được hưởng các lợi ích cụ thể từ hiệp định này.

Nói cách khác, trong bốn doanh nghiệp được hỏi thì có tới ba doanh nghiệp chưa nhận được lợi ích trực tiếp từ Hiệp định CPTPP ngoài các tác động chung.

Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) là nhóm nhận được nhiều lợi ích từ Hiệp định CPTPP nhất trong việc thúc đẩy hợp tác, liên kết với đối tác nước ngoài.

Các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước chưa được hưởng lợi ích nào từ Hiệp định CPTPP liên quan tới việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tham gia các gói thầu mua sắm công ở các thị trường Hiệp định CPTPP hay liên kết, hợp tác với đối tác nước ngoài.

Song song đó, các doanh nghiệp dân doanh bày tỏ sự hưởng ứng với những thay đổi tích cực về môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính bên cạnh những ưu đãi thuế quan - nhóm lợi ích phổ biến nhất mà họ nhận được từ Hiệp định CPTPP.

Phân tích kết quả khảo sát của VCCI về những rào cản, hạn chế doanh nghiệp tiếp cận các lợi ích từ Hiệp định CPTPP, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho hay, có hơn 75% doanh nghiệp cho rằng không biết có lợi ích gì từ Hiệp định CPTPP để tận dụng; hơn 32% doanh nghiệp cho biết không đủ các điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định CPTPP; hơn 16% doanh nghiệp cho biết các văn bản thực thi phía Việt Nam ban hành chậm trễ, khó hiểu.

Bên cạnh đó, có gần 14% doanh nghiệp gặp vướng mắc khi xin cấp chứng nhận xuất xứ cho hàng xuất khẩu; gần 13% doanh nghiệp gặp vướng mắc khi liên hệ/làm thủ tục với các cơ quan khác của Việt Nam...

Như vậy có thể thấy cơ bản và chủ yếu vẫn là các nguyên nhân chủ quan, xuất phát từ chính vấn đề nội tại của doanh nghiệp cùng các vướng mắc từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước.

Riêng việc tận dụng các ưu đãi về thuế quan, có không ít doanh nghiệp không tận dụng được lợi thế này, xuất phát từ cả hai nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Cụ thể, 45% doanh nghiệp được hỏi cho biết, không nắm được và không có thông tin về ưu đãi thuế; 40% doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ, 20% doanh nghiệp gặp vướng mắc về thủ tục hay để lỡ hạn xin cấp chứng nhận xuất xứ và 15% doanh nghiệp thiếu các giấy tờ vận chuyển cần thiết...

Về mặt khách quan, 43% doanh nghiệp đề cập tới việc thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc (MFN) đã là 0% nên không cần thiết sử dụng ưu đãi thuế quan và 37% doanh nghiệp khác cho hay đã sử dụng ưu đãi thuế theo các FTA khác...

Phản ánh thực tiễn của doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 (May 10) cho biết tỷ trọng xuất khẩu vào các nước thành viên Hiệp định CPTPP của May 10 vẫn còn "khiêm tốn."

Nguyên nhân là khó đáp ứng các quy tắc xuất xứ của Hiệp định CPTPP và đây không chỉ là vướng mắc của May 10 mà còn là khó khăn của cả ngành dệt may Việt Nam.

Nếu các nước châu Âu chỉ yêu cầu hàng dệt may đảm bảo quy tắc xuất xứ từ vải thì các nước của Hiệp định CPTPP lại yêu cầu từ sợi.

Hiện nay, May 10 chỉ có khoảng 30% mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế. Do đó, doanh nghiệp đang cố gắng liên kết với các nhà sản xuất vải. Các nhà sản xuất vải lại tiếp tục hợp tác với nhà sản xuất sợi để nghiên cứu các sản phẩm được hưởng ưu đãi thuế quan.

“Chúng tôi đang kêu gọi các nhà đầu tư sản xuất vải vào Việt Nam nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ. Chính nút thắt từ vải và nguyên liệu sẽ là cú hích để các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng tại Việt Nam để từ đó rót vốn vào mảng này," ông Việt cho hay.

Hiệp định CPTPP đang được triển khai thực thi một cách hệ thống và bài bản. Theo các chuyên gia, các cơ quan tổ chức và chính các doanh nghiệp nên sớm khắc phục những vướng mắc đã được đề cập và không ngừng nâng cao nhận thức hiểu biết về các cam kết trong Hiệp định CPTPP nói chung và các lợi ích, ưu đãi cơ hội từ hiệp định này nói riêng. Có như vậy mới nâng cao được hiệu quả thực thi và Hiệp định CPTPP mới thực sự đem lại những giá trị gia tăng như kỳ vọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.