Doanh nghiệp Việt chi 100 triệu USD nâng cấp mạng viễn thông Campuchia

Đại sứ Nguyễn Huy Tăng cho rằng sự hợp tác này giúp nâng cao vị thế của các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia, từ đó góp phần vào nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trong kinh tế.
Doanh nghiệp Việt chi 100 triệu USD nâng cấp mạng viễn thông Campuchia ảnh 1Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Campuchia (MB Campuchia) và Công ty Viettel Campuchia (Metfone) ký hợp đồng về gói tín dụng ưu đãi đặc biệt năm 2022. (Ảnh: Trần Long/TTXVN)

Chiều 4/5, tại thủ đô Phnom Penh, đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Campuchia (MB Campuchia) và Công ty Viettel Campuchia (Metfone) ký hợp đồng về gói tín dụng ưu đãi đặc biệt năm 2022 với hạn mức lên đến 100 triệu USD nhằm nâng cấp mạng lưới dịch vụ viễn thông và phát triển hoạt động kinh doanh của Metfone tại thị trường "đất nước Chùa tháp."

Metfone và MB Campuchia được đánh giá là những doanh nghiệp Việt Nam tiên phong đầu tư và kinh doanh tại Campuchia từ hơn 10 năm qua. Nhìn nhận về sự hợp tác giữa Metfone và MB Campuchia, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng cho rằng việc ký hợp đồng tín dụng này là sự kiện quan trọng vì cả hai đơn vị đều là những doanh nghiệp tạo được dấu ấn trong các lĩnh vực viễn thông, thanh toán điện tử, ví điện tử, dịch vụ tài chính-ngân hàng.

Đại sứ Nguyễn Huy Tăng cho rằng sự hợp tác này giúp nâng cao vị thế của các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia, từ đó góp phần vào nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.

[Doanh nghiệp Việt nỗ lực vượt khó, tận dụng cơ hội tại Campuchia]

Theo Giám đốc MB Campuchia Nguyễn Anh Khánh, ngay từ những ngày đầu tiên triển khai đầu tư, kinh doanh tại Campuchia, MB Campuchia và Metfone đã có sự đồng hành, hợp tác hiệu quả đem lại giá trị cho cả hai doanh nghiệp nói riêng cũng như cho cộng đồng và người tiêu dùng Campuchia nói chung.

Hai bên cùng hợp tác nghiên cứu về những sản phẩm mới dựa trên thế mạnh của hai doanh nghiệp để thích ứng với các thay đổi trong nền kinh tế, cũng như công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ cả ở Việt Nam và Campuchia.

Trên bình diện quan hệ song phương Việt Nam-Campuchia, Đại sứ Nguyễn Huy Tăng cho rằng nếu hợp tác kinh tế không thiết thực thì sẽ không tạo được nguồn lực, động lực đảm bảo cho sự phát triển bền vững của cả hai nước.

Kim ngạch thương mại Việt Nam-Campuchia trong hai năm vừa qua có những bước tăng trưởng ngoạn mục khi cán mốc 5 tỷ USD trong năm 2020 và năm 2021 đạt 9,3 tỷ USD.

Dưới góc độ hợp tác khu vực, theo Đại sứ Nguyễn Huy Tăng, nếu trước đây Campuchia chỉ quan tâm đến các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, hiện tại đã đánh giá thị trường các nước láng giềng cũng đầy tiềm năng, đặc biệt là giai đoạn phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.