Với việc các doanh nghiệp Việt Nam ngày một hội nhập và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu mỗi một biến cố bất thường xảy ra cũng có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.
Ngày nay, doanh nghiệp không chỉ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt mà còn phải luôn chủ động để thích ứng với những biến động không mong muốn có thể xảy ra bất cứ lúc nào gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường như dịch COVID-19 trong thời gian qua, hay mới nhất là sự cố mắc kẹt tàu hàng Ever Given tại kênh đào Suez.
Theo ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí SKD, việc tàu hàng bị mắc kẹt trên kênh đào lớn của thế giới chắc chắn khiến cho một số ngành nghề bị ảnh hưởng bởi các đơn hàng không thể đến kịp với khách hàng. Phía đơn vị sản xuất sẽ không thể có được lượng nguyên liệu sản xuất, tác động không nhỏ tới tiến độ sản xuất, giao hàng cho đối tác. Tuy nhiên, đây là yếu tố bất khả kháng, cũng như dịch bệnh COVID-19 vừa qua, tác động đến hầu hết mọi ngành nghề.
“COVID-19 đã dạy cho các doanh nghiệp một bài học về đa dạng hóa thị trường nguyên vật liệu và sự liên kết nên vụ việc mắc kẹt tàu cũng vậy. Nếu toàn bộ nguồn hàng bị phụ thuộc vào một thị trường, doanh nghiệp hoàn toàn có thể chịu tác động lớn. Đó là chưa kể việc mắc kẹt tàu sẽ khiến cho giá vận chuyển, thuê container trong thời gian ngắn sẽ tăng lên rất mạnh,” ông Nguyễn Văn Kết nói.
Ông Nguyễn Văn Kết chia sẻ SKD cũng ngẫm ra được nhiều điều kể từ khi dịch COVID bùng phát vào năm qua. Công ty đã phải triển khai ngay việc liên kết các doanh nghiệp trong nước, đa dạng hơn nguồn hàng từ các thị trường khác nhau, chứ không chỉ riêng Trung Quốc.
[Xuất khẩu gặp khó vì giá cước cao và thiếu container lạnh]
“Cùng với đó, để tránh bị động và giảm thiểu hơn thiệt hại trong những vấn đề do thiên tai, dịch họa... doanh nghiệp có thể tính tới dự trữ nguồn hàng sản xuất khoảng 3-6 tháng, vừa có thể ổn định giá trong thời gian dài,” ông Nguyễn Văn Kết nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vật liệu Tầm nhìn Việt nhận định chắc chắn vụ việc mắc kẹt tàu hàng tại kênh đào Suez tác động tới nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa và logistics (dịch vụ hậu cần). Hàng hóa vận chuyển chậm sẽ đưa doanh nghiệp vào thế bị phạt do chậm giao theo hợp đồng.
Theo ông Vinh, cùng với COVID-19 thì vụ việc vừa rồi ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nói riêng. Các chi phí sẽ đội lên theo, bao gồm chi phí vận tải, thuê container, cùng với đó là chuỗi cung ứng sản xuất bị đứt gãy, có thể trong ngắn hạn.
“Ở những tình huống này, hoàn toàn là chiến lược chủ động, nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp, đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tuyến vận tải, lên phương án dự phòng cho những trường hợp bất trắc. Các doanh nghiệp có thể tính đến vận chuyển bằng đường sắt thay cho đường biển, từ Việt Nam sang Đức để vào châu Âu. Bên cạnh đó là việc cân nhắc mua bảo hiểm để phòng ngừa các rủi ro xảy ra,” ông Nguyễn Quang Vinh cho hay.
Trong khi đó, cũng liên quan đến sự cố của tàu Ever Given tại kênh đào Suez (Ai Cập), lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho biết sự cố này có ảnh hưởng nhưng không lớn đối với việc xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp ở miền Tây.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gentraco, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết việc xuất khẩu gạo đi các thị trường trên thế giới vẫn diễn ra bình thường. Đối với các doanh nghiệp xuất sang châu Âu có bị ảnh hưởng nhưng không nhiều.
"Gạo xuất đi các nước châu Phi được vận chuyển bằng tàu lớn, lượng container ít. Còn châu Âu thì có nhiều tuyến chứ không chỉ có tuyến qua kênh đào Suez," ông Kiên cho hay.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - đơn vị có lô hàng gạo đầu tiên xuất khẩu vào thị trường châu Âu sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8/2020 cho biết, đối với Trung An, rất may không có lô hàng nào bị mắc kẹt trong khoảng thời gian tàu Ever Given mắc cạn ở kênh đào Suez. Hiện công ty đang chuẩn bị đóng một lô hàng mới đi châu Âu.
Theo ông Bình, trước sự cố ở tuyến hàng hải tại kênh đào Suez, những tình huống tương tự cũng đã từng xảy ra. Không phải bị mắc kẹt ở kênh đào Suez mà trong xuất khẩu thì hàng hóa bị "delay" cũng thường diễn ra và đây là chuyện rất bình thường.
Do đó, theo Tổng Giám đốc Công ty Trung An, trong ký kết hợp đồng có những điều khoản về rủi ro bất khả kháng. Nếu có sự cố thì hai bên sẽ cùng nhau đàm phán để giải quyết rủi ro. Cụ thể, ông Bình cho biết nếu lưu thông qua kênh đào Suez bị gián đoạn kéo dài, buộc các tàu hàng phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng của Nam Phi, cước phí vận chuyển chắc chắn sẽ tăng. Khi đó, giữa doanh nghiệp và đối tác sẽ phải tính lại về cước phí phát sinh và giải quyết vấn đề trên tinh thần chia sẻ.
Đối với lĩnh vực xuất khẩu cá tra-mặt hàng mang về hơn 1,5 tỷ USD trong năm 2020, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho hay, việc kênh đào Suez bị ách tắc trong những ngày qua là "có ảnh hưởng" nhưng không lớn đối với ngành hàng cá tra.
"Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, cá tra xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có khi thời gian còn lâu hơn và khó khăn hơn nhiều nhưng các doanh nghiệp cũng tìm cách khắc phục được," ông Dương Nghĩa Quốc nói và cho biết đến nay ông chưa nghe doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Cá tra Việt Nam báo cáo thông tin bị ảnh hưởng liên quan đến sự cố của tàu Ever Given tại kênh đào Suez./.