Doanh nghiệp Việt hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững

Các chuyên gia nhìn nhận trên thực tế trong tiêu dùng, nhất là tiêu dùng cuối cùng của người dân ở Việt Nam đang tồn tại nhiều vấn đề thiếu bền vững như rác thải nhựa và chất thải đổ ra môi trường.
Người dân thành phố Tân An, Long An chọn mua ống hút giấy thay thế ống hút nhựa. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)
Người dân thành phố Tân An, Long An chọn mua ống hút giấy thay thế ống hút nhựa. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Sáng 17/12 tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ KH&ĐT phối hợp với Hanns Seidel Foundation (HSF) tổ chức hội thảo: Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững.”

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Xuân Đỉnh, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo nhấn mạnh, trong xu thế phát triển của thế giới, sản xuất và tiêu dùng bền vững ngày càng được xã hội đặc biệt quan tâm, vì đây chính là hai khâu chốt yếu của tái sản xuất xã hội quyết định tính bền vững của tăng trưởng kinh tế ở mọi quốc gia.

Tại Việt Nam, trong những năm qua Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững; trong đó, Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp được triển khai từ năm 2009.

Cho tới nay, sau 10 năm triển khai tích cực các dự án thúc đẩy sản xuất sạch hơn trong các doanh nghiệp công nghiêp thông qua các chương trình của Chính phủ và với sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam đã được tiếp cận với những dự án sản xuất sạch hơn và sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn còn sử dụng máy móc, dây chuyền sản xuất với công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ảnh hưởng tới môi trường sinh thái. Việt Nam có tỷ lệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa cao, chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp cả nước.

“Hạn chế lớn nhất của doanh nghiệp này chính là vấn đề vốn và công nghệ. Trong khi đó, để phát triển bền vững, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, doanh nghiệp thường phải đối mặt với những khoản đầu tư lớn liên quan đến đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất hoặc thay thế nguyên liệu đầu vào…,” ông Lê Xuân Đỉnh nhấn mạnh.

[Hà Nội nỗ lực kết nối sản xuất và tiêu dùng bền vững cho ngành dệt may]

Tại hội thảo các chuyên gia đã nhìn nhận, trên thực tế trong tiêu dùng, nhất là tiêu dùng cuối cùng của người dân ở Việt Nam đang tồn tại nhiều vấn đề thiếu bền vững. Đơn cử như rác thải nhựa, các loại chất thải đổ ra biển, ra sông và môi trường của Việt Nam hầu như chưa được kiểm soát tốt.

Ý thức của người tiêu dùng chưa thực sự hướng tới xanh, sạch, bền vững.Do vậy, các chuyên gia cho rằng cần cao nhận thức cho doanh nghiệp về lợi ích của sản xuất và tiêu dùng bền vững, đồng thời tăng cường vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Ông Đặng Hải Dũng, Chánh văn phòng Sản xuất sạch hơn và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cũng đã cập nhật các chính sách liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Theo ông Dũng, chương trình hành động quốc gia về sản xuất, tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cần tạo hành lang pháp lý khuyến khích sự tham gia của các cá nhân tổ chức, doanh nghiệp trong việc đầu tư, thực hiện các nội dung về sản xuất, tiêu dùng bền vững.

Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng, năng lực của doanh nghiệp về sản xuất và tiêu dùng bền vững; phát triển chuỗi cung ứng và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu và khả năng tiếp cận thị trường, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; mua sắm công xanh; đặc biệt, xây dựng kế hoạch giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải.

“Theo đó, đến năm 2025, hoàn thiện và đẩy mạnh triển khai các chính sách pháp luật; trong đó hoàn thiện 10 tài liệu, sổ tay hướng dẫn; hoàn thiện, đẩy mạnh quy định, tiêu chuẩn trong mua sắm công, dán nhãn, sản phẩm tái chế… Thúc đẩy các mô hình về sản xuất tiêu dùng bền vững cho cơ sở, doanh nghiệp tổ chức liên quan; trong đó, xây dựng được 20 mô hình và 30% các doanh nghiệp áp dụng sản xuất bền vững; 70% các cơ sở phân phối là siêu thị, trung tâm thương mại tại các tỉnh/thành phố phân phối sản phẩm thân thiện với môi trường; nâng cao năng lực, phát triển khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế về sản xuất tiêu dùng bền vững; hình thành và phát triển mạng lưới tổ chức quản lý và triển khai chương trình,” ông Dũng nhấn mạnh.

Từ thực tiễn doanh nghiệp, ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam cho rằng, sản xuất sạch và tiêu dùng bền vững có thể được áp dụng ở mọi doanh nghiệp và việc ứng dụng này sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho chính doanh nghiệp.

Theo ông Thịnh, yếu tố bền vững đối với môi trường và xã hội được tính tới trong mọi quyết định kinh doanh, sản xuất. Do vậy, việc thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững là đi đúng chủ trương của nhà nước và xu thế của thế giới. Việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng chính là bảo vệ chúng ta và thế hệ mai sau.

Ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng giám đốc, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Lenger Việt Nam cho biết, công ty đã xây dựng được chuỗi liên kết ngao theo hướng ASC giữa các cấp chính quyền tỉnh Nam Định, những người nuôi ngao và công ty. ACS xác nhận cấp quốc tế về một vùng nuôi ngao được nuôi trồng bền vững và có trách nhiệm.

Hướng tới sản xuất tiêu dùng bền vững tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồ Nguyên kiến nghị các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến, vận chuyển phân phối và bán lẻ nên cùng nhau hợp tác hình thành liên kết chuỗi tạo thành vùng trồng bền vững và có trách nhiệm, sản xuất và cung cấp thực phẩm sạch tới người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Nhà nước, các cấp chính quyền và các doanh nghiệp có trách nhiệm đảm bảo môi trường tốt và an toàn cho nuôi trồng.

Đầu tư trang thiết bị công nghệ mới và tiên tiến là con đường giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất chế biến thực phẩm nông nghiệp đòi hỏi yêu cầu về chế biến nhanh và đảm bảo chất lượng, giảm tiêu hao nguyên liệu trong quá trình thu hoạch và chế biến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.