Doanh nghiệp Việt Nam chủ động tìm hiểu thị trường Singapore

Tại Hội chợ tặng phẩm quốc tế Singapore, các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động tìm hiểu thị trường Singapore, nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng các cơ hội.

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, tại Hội chợ tặng phẩm quốc tế Singapore diễn ra từ ngày 29-31/7 ở đảo quốc Sư tử, các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động tìm hiểu thị trường Singapore, nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng các cơ hội và lợi ích từ các thỏa thuận đa phương và song phương mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ được hình thành vào cuối năm nay.

Trao đổi với phóng viên TTXVN bên lề Hội chợ, bà Nguyễn Việt Chi, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, cho biết có 6 doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội chợ năm nay và tất cả các doanh nghiệp này đều đã chủ động và chuyên nghiệp hơn, khi thông qua hội chợ để thu thập thông tin, tìm hiểu nhu cầu và nắm bắt đặc điểm thị trường Singapore.

Theo bà Chi, Singapore là một trung tâm thương mại lớn của khu vực và quốc tế, với dịch vụ hậu cần và xuất khẩu quá cảnh hàng đầu thế giới.

Qua hội chợ, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội gặp gỡ, trực tiếp trao đổi với doanh nghiệp của Singapore cũng như doanh nghiệp quốc tế.

Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam cũng hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước xúc tiến xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ, bên cạnh những mặt hàng truyền thống như gạo, nông sản, thủy sản, dệt may... vào Singapore, để tận dụng những ưu thế của thị trường này.

Tham gia Hội chợ về sản phẩm quà biếu và tặng phẩm lần thứ 16 này, bên cạnh các doanh nghiệp Việt Nam và nước chủ nhà Singapore, còn có nhiều doanh nghiệp đến từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ như Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong, Macau, Campuchia.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.