Nhận định của một số chuyên gia, doanh nhân cho rằng với những tiềm năng về tài nguyên phong phú và lợi thế về lực lượng lao động, cùng với các chính sách ưu đãi đầu tư của các nước châu Phi, ngày càng có nhiều nhà đầu tư các nước quan tâm đến thị trường này, trong đó có các công ty của Việt Nam.
Theo các chuyên gia kinh tế ở khu vực, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực và chủ động hơn trong việc xâm nhập thị trường các nước châu Phi, trong đó có Ethiopia và Ai Cập, những nơi sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp Việt Nam đến đầu tư và làm ăn tại đây.
Việt Nam và các nước châu Phi cần hướng tới các thỏa thuận hợp tác cụ thể, có ý nghĩa thiết thực đối với sự phát triển của mỗi bên.
Theo chuyên gia tư vấn Ali Ahmed của hãng EHAF (Ai Cập), cải thiện cơ sở hạ tầng là phần quan trọng trong chiến lược phát triển ở nhiều nước châu Phi. Nhiều quốc gia ở châu lục này đang cần có những nguồn lực lớn, đặc biệt là về tài chính, để đầu tư vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác để đẩy nhanh tốc độ phát triển của nền kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm.
Về triển vọng hợp tác giữa Ai Cập và Việt Nam, chuyên gia này cho rằng các điều kiện về chính trị cũng như kinh tế đang ngày càng thuận lợi ở cả hai nước sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh hứa hẹn đối với doanh nghiệp hai nước.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực và chủ động nắm bắt thời cơ hiện có để tiến vào thị trường Ai Cập nói riêng và châu Phi nói chung.
Theo ông Ahmed, doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa, đặc biệt là cần khắc phục những khó khăn như khoảng cách về địa lý hay khác biệt về văn hóa trong quá trình xâm nhập thị trường châu Phi.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tích cực tham gia các hoạt động hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư tại thị trường này.
Trưởng phòng thu mua hàng hóa của công ty CNE (Ai Cập) ông Ihab Mohamed Samy, người đang nghiên cứu và tìm hiểu các cơ hội làm ăn tại Việt Nam, cho rằng chuyến thăm Ai Cập mới đây của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đã mở ra nhiều cơ hội mới trong lĩnh vực hợp tác thương mại và công nghiệp giữa các thành phần kinh tế của hai nước.
Theo ông Samy, đây là một cơ hội để phát triển quan hệ hợp tác thương mại giữa các công ty Việt Nam và Ai Cập. Giới chức hai nước cần tạo điều kiện cho các doanh nhân hai nước có thêm nhiều cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ và tìm hiểu thông tin thông qua các sự kiện do phòng thương mại và công nghiệp của mỗi nước tổ chức. Ngoài ra, hai bên cũng cần tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.
[Nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu vào khu vực Trung Đông-châu Phi]
Bên cạnh đó, ông Samy cho biết nhiều loại hàng hóa có gắn mác “Made in Vietnam” xuất hiện rất phổ biến tại các trung tâm thương mại, khu mua sắm ở nhiều tỉnh, thành phố của Ai Cập, đặc biệt là các sản phẩm dệt may, giày dép, hàng thủy sản như cá tra, cá ba sa, điện thoại di động có xuất sứ từ Việt Nam hay được sản xuất tại Việt Nam.
Theo ông, người tiêu dùng ở quốc gia Bắc Phi này đánh giá cao chất lượng của các sản phẩm dệt may, giày dép, điện thoại di động “Made in Vietnam." Những sản phẩm này có chỗ đứng vững chắc ở thị trường Ai Cập và được rất nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của hàng hóa do Việt Nam sản xuất tại thị trường Ai Cập đa số chỉ thể hiện “một cách gián tiếp," thông qua các thương hiệu của các tập đoàn toàn cầu hay các công ty đa quốc gia, chứ ít thấy những nhãn hàng thực sự thuộc về doanh nghiệp Việt Nam.
Đối với Việt Nam, ông Samy cho rằng các cơ quan chức năng Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi, hành lang pháp lý, cơ chế thông thoáng để cho các sản phẩm, hàng hóa của Ai Cập có thể tiếp cận thị trường Việt Nam, cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước. Theo ông Samy, doanh nghiệp hai nước nên tập trung hợp tác vào các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng và du lịch.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ai Cập trong năm 2017 đạt hơn 321 triệu USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang toàn bộ thị trường châu Phi.
Còn theo số liệu của Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập, trong lĩnh vực đầu tư, tính đến hết năm 2017, Ai Cập hiện có ba dự án đăng ký đầu tư vào Việt nam với tổng số vốn hơn 2 triệu USD. Trong khi đó, Việt Nam chưa có dự án đầu tư nào tại Ai Cập nhưng Việt Nam đang giữ vị thế xuất siêu sang Ai Cập.
Trong bối cảnh nền sản xuất trong nước của Ai Cập vẫn còn chưa thực sự mạnh vì vậy nhu cầu hàng hóa nhập khẩu dự báo sẽ tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, các định chế tài chính quốc tế và các hãng xếp hạng tín dụng quốc tế đều có các dự báo khả quan về kinh tế Ai Cập trong trung hạn, do những thành quả từ công cuộc cải cách kinh tế hiện nay mang lại.
Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng với những nỗ lực cao của Chính phủ Ai Cập trong việc ổn định tình hình an ninh, chống khủng bố sẽ góp phần rất lớn tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và thúc đẩy du lịch. Đây là điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu và hoạt động đầu tư từ các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam và đây chính là cơ hội thực sự mà các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt./.