Doanh nghiệp Việt Nam trước cơ hội xuất khẩu sang Hàn Quốc

Để mặt hàng nông sản của Việt Nam muốn vào được thị trường Hàn Quốc, doanh nghiệp phải chuẩn bị thật kỹ các thủ tục cũng như quy trình sản xuất theo đúng tiêu chí của người tiêu dùng Hàn Quốc.
Doanh nghiệp Việt Nam trước cơ hội xuất khẩu sang Hàn Quốc ảnh 1Chế biến hạt điều xuất khẩu. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Hàn Quốc là một trong những thị trường nhập khẩu lớn mặt hàng nông sản của Việt Nam ở khu vực châu Á. Hơn nữa hai nước mới ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ tạo cơ hội lớn cho hàng hóa hai bên xâm nhập thị trường của nhau.

Tuy nhiên, để mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu thuận lợi vào thị trường Hàn Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm hiểu sâu về thị trường này.

Gặp khó với tiêu chuẩn nhập khẩu

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu “khó tính” tại châu Á. Bất kỳ mặt hàng nông sản nào muốn vào thị trường này đều phải qua những quy trình kiểm tra nghiêm ngặt. Chính vì vậy, mặt hàng nông sản của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này vẫn còn ít, chẳng hạn như thanh long, dừa, xoài, ổi, chuối, cà rốt, bông cải xanh, cải thảo với số lượng hạn chế.

Theo ông Lê An Hải, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), rào cản lớn đối với mặt hàng rau quả của Việt Nam khi xuất sang Hàn Quốc là các quy định nhập khẩu ngặt nghèo. Các loại rau quả tươi nhập khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan chức năng của Hàn Quốc ban hành.

Đối với các loại rau quả chế biến, nhà máy cung cấp cần phải đạt được các tiêu chí theo giấy chứng nhận xuất khẩu do phía Hàn Quốc cấp sau khi họ đã kiểm tra dây chuyền sản xuất, lịch trình sản xuất từ vườn đến khâu thu hoạch, bảo quản tại kho, máy móc thiết bị chế biến, cách thức lưu giữ bảo quản sản phẩm…

Ông Yoon Byung Soo, Giám đốc hành chính Hệ thống siêu thị Lotte Mart Việt Nam chia sẻ, thực tế, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam làm hàng xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc cũng chỉ đảm bảo chất lượng hàng hóa trong thời gian đầu. Sau đó lại thiếu sự kiểm duyệt cẩn trọng trước khi xuất khẩu, trong khi các đối tác Hàn Quốc lại chú trọng vào tính ổn định, lâu dài. Hiện nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu mà người tiêu dùng Hàn Quốc đòi hỏi. Cụ thể như khâu sơ chế, đóng gói quá đơn giản, bao bì không bắt mắt để người tiêu dùng Hàn Quốc lựa chọn. Khi hàng hóa của Việt Nam được lựa chọn nhập khẩu thì các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam không ấn định được thời gian giao hàng cụ thể, bởi vì những mặt hàng tươi sống cần có cả hệ thống bảo quản đúng kỹ thuật mới được an toàn đưa đến người tiêu dùng.

Phải công nhận ở Việt Nam có nhiều mặt hàng tươi sống giá rẻ, đủ khả năng cạnh tranh với các sản phẩm của Thái Lan, Philippine, nhưng cũng có mặt hàng đắt hơn ở Hàn Quốc, chẳng hạn như mực ống tươi đắt hơn mực của Hàn Quốc nên cho dù người tiêu dùng ưa chuộng cũng khó có thể nhập vào.

Thị trường Hàn Quốc không giống như nhiều thị trường “khó tính” khác. Với thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản doanh nghiệp Việt Nam có thể ký hợp đồng trực tiếp với nhà phân phối, thì với thị trường Hàn Quốc doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chỉ được ký kết xuất hàng cho những doanh nghiệp thu mua. Những doanh nghiệp thu mua này có chức năng vừa thu mua, vừa kiểm định chất lượng sản phẩm trước khi lưu kho. Sau khi hoàn tất thu mua, hàng hóa mới được chuyển về cho nhà phân phối tại Hàn Quốc.

Chủ động tìm kiếm cơ hội

Chính những lý do trên, mặt hàng nông sản của Việt Nam muốn vào được thị trường Hàn Quốc, doanh nghiệp phải chuẩn bị thật kỹ các thủ tục cũng như quy trình sản xuất theo đúng tiêu chí của người tiêu dùng Hàn Quốc.

Theo ông Yoon Byung Soo, khí hậu Hàn Quốc không giống Việt Nam nên rất nhiều loại trái cây, rau củ quả mà Việt Nam có nhưng Hàn Quốc không có. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải thường xuyên tìm hiểu thông tin những mặt hàng mà thị trường Hàn Quốc đang thiếu và sẽ có nhu cầu lớn trong tiêu dùng sắp tới để làm hàng xuất sang nước này. Chẳng hạn như mùa vụ hành tây năm 2014 của Hàn Quốc bị thất thu, nên nông dân không sản xuất sản phẩm này trong vụ năm 2015. Vì thế các doanh nghiệp Việt Nam có thể tranh thủ cơ hội để xuất hàng sang

Mặt khác, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cũng phải tìm hiểu kỹ những tiêu chí nhập khẩu đối với từng loại sản phẩm của Hàn Quốc, đầu tư khâu đóng gói, bao bì bắt mắt và thời gian giao nhận hàng hóa cụ thể, chính xác thì doanh nghiệp hai bên mới có thể ký kết hợp tác lâu dài.

Ông Lê An Hải chia sẻ, có nhiều cách đưa hàng vào Hàn Quốc, thông qua kênh phân phối lớn của Hàn Quốc như hệ thống siêu thị Lotte Mart, Công ty Dole, hệ thống siêu thị Imart… để tiếp cận thị trường này. Họ tiếp cận sản phẩm Việt Nam đáp ứng đúng tiêu chí của Hàn Quốc, hoặc họ sẽ sản xuất trực tiếp, chuyên nghiệp hóa quá trình sản xuất. Việt Nam cũng có nhiều mặt hàng gia công, chế biến mà người dân Hàn Quốc khi đến Việt Nam thường mua về làm quà biếu, chẳng hạn như càphê, xoài sấy, hạt điều rang và mực khô cỡ nhỏ. Các doanh nghiệp cũng chú trọng những mặt hàng đang thiếu này tại thị trường Hàn Quốc, những mặt hàng này không nhiều nên không đủ cung cấp cho người tiêu dùng.

Không những vậy, doanh nghiệp và chính quyền địa phương của Việt Nam thường xuyên mời các doanh nghiệp thu mua Hàn Quốc đến tham quan và kiểm chứng vườn cây, khu vực sản xuất của Việt Nam như vườn càphê, vườn xoài. Khi được kiểm tra tận mắt sẽ giúp nhà thu mua tăng độ tin cậy vào sản phẩm hơn, cũng chính là tăng cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc. Hiện tại, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nếu mở rộng hơn thành VFOOD như Hàn Quốc có chứng nhận KFOOD, thì đơn vị thu mua nhìn thấy dấu hiệu kiểm chứng này sẽ tin tưởng hơn, đưa hàng vào siêu thị Lotte Mart - ông Yoon Byung Soo nhấn mạnh thêm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.