Doanh nghiệp vui mừng khi gạo được xuất khẩu trở lại

Tổng Giám đốc Công ty Trung An phân tích, trong khi dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa chấm dứt, việc xuất khẩu gạo theo quyết định của Chính phủ là hoàn toàn hợp lý, giúp giải quyết được mọi vấn đề.
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Cửa Lò (Nghệ An). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Cửa Lò (Nghệ An). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định đồng ý cho phép xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng Tư này như đề xuất của Bộ Công Thương.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long bày tỏ vui mừng trước thông tin này.

Theo đó, Văn phòng Chính phủ ngày 10/4 đã có văn bản 2827/VPCP-KTTH về xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán xâm nhập mặn.

Trong văn bản do ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký nêu rõ, xét đề nghị của Bộ Công Thương tại văn bản số 2412/BCT-XNK ngày 6/4 vừa qua về xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương, phương án xuất khẩu gạo như đề xuất của đơn vị này. Điều này có nghĩa, trong tháng 4/2020, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ được phép xuất khẩu 400.000 tấn.

Trả lời phóng viên TTXVN qua điện thoại ngày 11/4, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, thành phố Cần Thơ nhấn mạnh:điều này hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng lúa gạo Việt Nam, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là quyết định rất kịp thời và vui mừng cho doanh nghiệp.

Về lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng Tư này là 400.000 tấn và dự kiến thêm 400.000 tấn trong tháng Năm tới, ông Bình cho rằng, sự thận trọng của Chính phủ là rất phù hợp, nhất là trong thời điểm này khi dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Tổng Giám đốc Công ty Trung An phân tích, trong khi dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa chấm dứt, việc xuất khẩu gạo theo quyết định của Chính phủ là hoàn toàn hợp lý, giúp giải quyết được mọi vấn đề.

[Bộ Công Thương công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng Tư]

Nếu có tình huống xấu xảy ra, Việt Nam vẫn giữ được an ninh lương thực quốc gia, mặt khác vẫn đảm bảo cho các doanh nghiệp hoạt động bình thường, không bị ảnh hưởng nhiều. Như vậy các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thể tránh được thiệt hại.

Theo các doanh nghiệp, việc nối lại xuất khẩu gạo là điều rất đáng mừng. Bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty Ngọc Quang Phát, thành phố Cần Thơ cho biết, hiện nay, giá gạo đang nằm ở đỉnh, doanh nghiệp xuất được cũng sẽ mua được lúa với giá cao cho nông dân, khi mà vụ Hè Thu đang chuẩn bị thu hoạch.

“Đây là thời điểm vàng để chúng ta bán gạo, nếu để nó trôi qua, giá tụt trở lại thì sẽ rất khó khăn,” bà Huyền nói.

Theo Tiến sỹ Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế, lâu nay chúng ta kêu gọi xây dựng thương hiệu gạo cho Việt Nam mà thương hiệu không chỉ là chất lượng hạt gạo mà còn là uy tín của các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu mặt hàng này.

Khi ký hợp đồng mà không giao hàng, ngoài chuyện bị phạt vi phạm hợp đồng ra còn ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và thương hiệu lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Sau khi có quyết định chính thức của Thủ tướng Chính phủ, ngay trong ngày 10/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký văn bản công bố hạn ngạch xuất khẩu đối với mặt hàng gạo trong tháng 4/2020, có hiệu lực từ 0 giờ ngày 11/4.

Tại văn bản này, nguyên tắc quản lý hạn ngạch được quy định là thương nhân đăng ký tờ khai hải quan trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước và số lượng sẽ được trừ lùi vào số lượng được phép xuất khẩu trong tháng Tư này là 400.000 tấn.

Bộ Công Thương cũng chỉ cho phép xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế, gồm đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy và đường hàng không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.