Tại phiên họp trực tuyến Chính phủ ngày 10/4, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát và thực hiện điều hành của Chính phủ trên nguyên tắc kiểm soát chặt chẽ xuất khẩu đồng thời đề xuất lượng gạo xuất khẩu tháng Tư khoảng 400.000 tấn.
Tuy vậy, ông cũng nhấn mạnh dù xuất khẩu song vẫn phải bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia, không để xảy ra tình trạng thiếu lương thực trong bất kỳ hoàn cảnh nào; duy trì chuỗi sản xuất lúa gạo, hỗ trợ tiêu thụ thóc, gạo cho người nông dân với giá tốt nhằm bảo đảm mục tiêu "kép" là chiến thắng dịch bệnh và duy trì sản xuất, tăng trưởng kinh tế.
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý việc xuất khẩu gạo phải có kiểm soát. Theo đó, một mặt vừa khuyến khích xuất khẩu đảm bảo quyền lợi người nông dân song mặt khác phải đảm bảo an ninh lương thực của đất nước.
Trước đó, trong báo cáo gửi Thủ tướng ngày 6/4, Bộ Công Thương cho biết thống kê từ Tổng cục hải quan trong 2 tháng đầu năm cho thấy cả nước đã xuất khẩu khoảng 930.000 tấn gạo, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Lũy kế đến ngày 15/3, xuất khẩu mặt hàng này đạt khoảng 1,3 triệu tấn, tăng 370.000 tấn so với cuối tháng 2/2020. Tính bình quân mỗi ngày trong nửa đầu tháng Ba cả nước xuất khẩu khoảng 25.000 tấn gạo.
Từ thực tế này, Bộ Công Thương cho rằng: “Nếu xuất khẩu vẫn giữ nguyên tốc độ như 15 ngày đầu tháng Ba thì quý 1 sẽ xuất khẩu gần 1,7 triệu tấn, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm ngoái.”
[Bộ Công Thương: Tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng kiểm soát chặt số lượng]
Ngoài ra, tổng hợp số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng gạo hàng hóa của vụ Đông Xuân có thể xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn. Nếu tính cả lượng “gối đầu” từ 2019 chuyển qua là khoảng 3,2 triệu tấn.
Với tốc độ xuất khẩu như nửa đầu tháng Ba, lượng gạo có thể xuất khẩu còn lại khoảng 1,5 triệu tấn.
Trong khi đó, báo cáo của Bộ Công Thương cũng lưu ý sẽ cần khoảng 300.000 tấn để thực hiện kế hoạch vào năm 2020 của Tổng cục Dự trữ Nhà nước đồng thời giữ lại 400.000 tấn để dự phòng cho mọi tình huống có thể xảy ra trong tháng Tư và tháng Năm.
Như vậy, tổng lượng gạo xuất khẩu giữ lại cho nhu cầu trong nước trong 2 tháng (trước khi có thóc vụ Hè Thu) sẽ là 700.000 tấn.
“Với số lượng giữ lại này, mỗi người dân sẽ được dự phòng thêm 7,3kg gạo, một hộ gia đình 4 người sẽ được dự phòng thêm khoảng 30kg cho tháng Tư và Năm,” báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ.
Với thống kê như trên, lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng Tư và Năm sẽ vào khoảng 800.000 tấn, giảm 40% so với 2 tháng cùng kỳ năm ngoái.
Sau khi tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo an ninh lương thực, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng có thể cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt số lượng xuất khẩu theo từng tháng, trước mắt là tháng Tư và tháng 5/2020./.