Doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang mất lợi thế cạnh tranh về giá bán

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã phải tăng giá chào bán xuất khẩu gạo các loại để đủ bù đắp chi phí, qua đó, phần nào mất đi lợi thế cạnh tranh về giá bán.
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang mất lợi thế cạnh tranh về giá bán ảnh 1Lúa Đông Xuân tại xã Tân Hùng, huyện Trà Cú đã trổ bông nhưng bị lép hạt do thiếu nước ngọt. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Trước tình hình giá lúa gạo nội địa liên tục tăng cao, mới đây nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã phải tăng giá chào bán xuất khẩu gạo các loại để đủ bù đắp chi phí, qua đó, phần nào mất đi lợi thế cạnh tranh về giá bán.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam tăng giá chào bán loại gạo 5% tấm lên mức 380-390USD/tấn và 365-375USD/tấn đối với gạo 25% tấm. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu khác trong khu vực vẫn giữ nguyên giá chào bán.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng (Tiền Giang), cho biết do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đối với vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long và tác động từ nhu cầu tăng ở đường biên nên giá lúa gạo trong nước liên tục tăng trong thời gian qua.

Để bù đắp chi phí, các doanh nghiệp đã phải tăng giá chào bán xuất khẩu gạo các loại lên khoảng 5-10USD/tấn. Tuy nhiên, mức giá này lại cao hơn hẳn từ 10-20 USD/tấn so với mức giá đối tác có thể chấp nhận mua. So với đối thủ cạnh tranh chính, giá gạo Việt Nam cũng đang cao hơn so với Thái Lan từ 10-15 USD/tấn.

“Chúng tôi đang chào bán loại gạo 5% tấm với giá 390USD/tấn, nhưng không có đối tác hỏi mua. Trong khi đó, giá thu mua gạo nội địa cộng với chi phí vận chuyển, bảo quản… cũng đã không dưới 390USD/tấn. Đã 5 ngày nay doanh nghiệp ngừng thu mua gạo mới, vì không biết bán cho ai với mức giá này, còn nếu chỉ để lưu kho thì sau này giá lúa gạo giảm chúng tôi lại bị lỗ nặng,” ông Đôn cho biết thêm.

Mặc dù xuất khẩu gạo có những tín hiệu khả quan trong quý 1/2016, tuy nhiên ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cũng cho rằng so với mặt bằng chung giá thị trường thế giới thì chỉ có giá gạo Việt Nam tăng cao hơn hẳn nên các doanh nghiệp mất đi lợi thế cạnh tranh về giá bán.

Hiện, giá lúa gạo trong nước đang cao và có xu hướng tiếp tục tăng. Với diễn biến này, một số doanh nghiệp trong ngành cho rằng, doanh nghiệp khó có thể ký được các hợp đồng xuất khẩu gạo mới với khối lượng lớn.

Hiện hầu hết các doanh nghiệp chỉ lo thu gom đủ lượng gạo để cung cấp cho các hợp đồng đã ký trước đó. Một số doanh nghiệp đã “lỡ” ký nhiều hợp đồng mà chưa kịp thu gom lúa gạo thì giờ đang gặp phải tình trạng “mệt mỏi” và lỗ nặng.

Tính đến ngày 15/3/2016, xuất khẩu gạo của cả nước đạt trên 1,1 triệu tấn, trị giá FOB 444 triệu USD, trị giá CIF 475 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2015, xuất khẩu gạo tăng gấp đôi về sản lượng và trị giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.