Doanh nghiệp xuất khẩu gạo được hỗ trợ giá trong ngắn hạn

Một nhà giao dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết giá dự kiến sẽ vẫn ở mức cao do nhiều quốc gia đang mua để tăng dự trữ quốc gia, trong đó, có cả Trung Quốc và Indonesia.
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo được hỗ trợ giá trong ngắn hạn ảnh 1Xuất khẩu gạo tiếp tục thuận lợi. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Trước những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên, xuất khẩu gạo tiếp tục thuận lợi nhờ giá gạo trong ngắn hạn vẫn duy trì ở mức cao.

Theo giới phân tích, đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.

Trên thị trường giao dịch, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 455-460 USD/tấn trong phiên 16/2.

[Nông sản Việt Nam từng bước vươn xa ra thị trường thế giới]

Một nhà giao dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết giá dự kiến sẽ vẫn ở mức cao do nhiều quốc gia đang mua để tăng dự trữ quốc gia, trong đó, có cả Trung Quốc và Indonesia.

Hiện, các nhà giao dịch đang nối lại hoạt động mua gạo từ nông dân để chuẩn bị cho các hợp đồng mới sau kỳ nghỉ lễ.

Về vấn đề giá gạo xuất khẩu, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Intimex Group Đỗ Hà Nam cho rằng mặt bằng chung chắc chắn sẽ tăng lên. Bởi, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới tiếp tục tăng do những bất ổn về kinh tế, chính trị, xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có hồi kết.

Các quốc gia có nhu cầu dự trữ lương thực nhiều hơn. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu vẫn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều nước.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo được hỗ trợ giá trong ngắn hạn ảnh 2Đóng gói gạo xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn (Tập đoàn Lộc Trời). (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Với việc đạt giá cao vào cuối vụ, đặc biệt là cuối năm 2022 sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu gạo có lợi thế để đàm phán hợp đồng của năm 2023.

Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định ngành xuất khẩu gạo đã xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực trong năm 2023.

Diễn biến thời tiết bất lợi khiến các nhà xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Pakistan giảm sản lượng xuất khẩu, trong khi nhà nhập khẩu lớn như Trung Quốc vẫn tăng cường nhập khẩu gạo trước kỳ vọng mở cửa nền kinh tế.

Trong bối cảnh cầu tăng, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng sẽ được hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá.

Ngoài ra, Việt Nam và Thái Lan dự kiến sẽ tổ chức các cuộc đàm phán để tăng giá gạo xuất khẩu trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Vndirect cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo.

Giá gạo Ấn Độ có vị thế cạnh tranh yếu hơn do chịu mức thuế cao hơn sẽ thúc đẩy người mua chuyển hướng sang gạo của Thái Lan và Việt Nam. Do vậy, biên lợi nhuận của các nhà sản xuất gạo sẽ cao hơn trong 2023 nhờ giá bán tăng.

Thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty Lương thực miền Bắc Đỗ Trần Hoàn cho rằng năm 2023 nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới không biến động nhiều, khoảng 1%, nhưng Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi khi Trung Quốc mở cửa giao thương bình thường trở lại.

Theo Tổng giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Nguyễn Thái Bình, giá gạo 5% tấm đang ở mức rất cao và dự báo sẽ tăng tiếp.

Còn giá gạo chất lượng cao xuất khẩu cũng ở mức 750-1.200 USD/tấn tùy loại. Đây là mức giá có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt. Đơn hàng Công ty Trung An nhận được kéo dài đến tháng 4/2023, quý 1 gần như kín đơn khách đặt.

Những thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Australia, Trung Đông... đang rất chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam.

Trên cơ sở tính toán này, xuất khẩu gạo năm 2023 của doanh nghiệp sẽ tiếp tục thuận lợi, doanh thu tăng khoảng 30% so với năm 2022.

Với Tập đoàn Lộc Trời, việc xuất khẩu gạo không chỉ đạt được sự hấp dẫn về giá mà đã có được những đơn hàng đến quý 3/2023.

Sau đơn hàng đầu tiên xuất khẩu gạo sang thị trường EU, từ tháng 10/2022, Tập đoàn Lộc Trời đã nhận được đơn đặt hàng lên đến 400.000 tấn gạo cho thị trường EU vào năm 2023.

Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận, nhằm đảm bảo chất lượng và tính bền vững trong chuỗi sản xuất lúa gạo, sau khi nhận đơn, Lộc Trời mới bắt tay vào quy trình sản xuất từ giống đến canh tác, thu hoạch, chế biến.

Thời gian để thực hiện hết quy trình và cho ra sản phẩm khoảng 6-7 tháng. Như vậy, các đơn hàng đã ký với EU hiện nay sẽ được giao trong quý 2/2023.

Hướng đến đáp ứng nhu cầu thị trường nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang đầu tư nhiều về máy móc, công nghệ để nâng cao công nghệ chế biến, đóng gói. Bởi, xu hướng thế giới yêu cầu đóng gói các túi nhỏ (3-5 kg) để sau khi đơn vị nhập khẩu về chỉ việc đưa thẳng đến siêu thị bán.

Trên thị trường niêm yết, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 17/2, cổ phiếu LTG của Công ty Tập đoàn Lộc Trời có giá 27.500 đồng; TAR của Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An có giá 13.400 đồng; DBC của Công ty Tập đoàn Dabaco có giá 14.300 đồng/đơn vị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.