Doanh số bán lẻ ở Mỹ dự kiến cải thiện trong năm 2014

Hiệp hội bán lẻ quốc gia Mỹ dự đoán doanh số bán lẻ của nước này sẽ tăng 4,1% lên 3.240 tỷ USD trong năm 2014, cao hơn mức tăng dự kiến 3,7% của năm 2013.

Với tình hình việc làm và thị trường nhà đất tiếp tục cải thiện hỗ trợ lòng tin của người tiêu dùng Mỹ, Hiệp hội bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF) dự đoán doanh số bán lẻ của nước này sẽ tăng 4,1% lên 3.240 tỷ USD trong năm 2014, cao hơn mức tăng dự kiến 3,7% của năm 2013 và con số trung bình 3,6% của một thập niên qua.

Số liệu dự đoán về doanh số bán lẻ của Mỹ trong năm 2014 bao gồm doanh số bán hàng trực tuyến nhưng không tính đến hoạt động kinh doanh của các hãng ôtô, trạm xăng và nhà hàng. Doanh số bán hàng trực tuyến của Mỹ dự kiến tăng khoảng 9-12% trong năm 2014.

NRF đưa ra dự đoán lạc quan một cách thận trọng khi các cửa hàng vẫn còn chao đảo từ một kỳ nghỉ khó khăn khi phải giảm giá mạnh để kích cầu. Đà hồi phục kinh tế chậm chạp, tỷ lệ thất nghiệp cao dai dẳng và sự cạnh tranh quyết liệt từ các nhà bán lẻ trực tuyến như trang web Amazon.com buộc các nhà bán lẻ truyền thống giảm giá mạnh chỉ để kéo khách hàng ghé qua.

Tình trạng yếu kém này tiếp tục diễn ra trong suốt tháng 1/2014 khi những cơn bão lớn xảy trong mùa Đông vừa qua ở Mỹ làm giảm lượng người đến mua sắm tại các cửa hàng và tác động bất lợi tới hoạt động bán hàng sau kỳ nghỉ Năm mới. Các chuỗi cửa hãng bán lẻ như Wal-Mart Stores Inc. đã giảm dự đoán lợi nhuận. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh khó khăn trong tháng đầu tiên của năm 2014 càng được thấy rõ khi phần lớn trong số 10 hãng bán lẻ vẫn thông báo doanh số hàng tháng trong hai ngày 5-6/2 vừa qua cho biết doanh số bán hàng giảm mạnh trong tháng 1/2014.

Cato Corp., một chuỗi cửa hàng bán quần áo phụ nữ, nhà bán lẻ sản phẩm dành cho thanh thiếu niên Zumiez Inc. và công ty cung cấp phụ tùng The Buckle Inc. thông báo doanh thu của các cửa hàng đã khai trương được ít nhất 1 năm đều sụt giảm, được coi là nhân tố đánh giá "sức khỏe" của các nhà bán lẻ.

Tuy vậy, các quan chức NRF cho rằng hoạt động bán lẻ trong năm 2014 sẽ ít biến động so với năm 2013 khi người tiêu dùng phải đối mặt với việc chính phủ ngừng hoạt động một phần và và tăng thuế an sinh xã hội được thực hiện từ ngày 1/1/2013. NRF dự đoán thị trường lao động của Mỹ đang hồi phục vừa phải với trung bình 185.000 việc làm được tạo ra/tháng. Điều này sẽ giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ xuống 6,5% và thậm chí thấp hơn vào cuối năm 2014, từ mức 6,6% trong tháng Một vừa qua.

Ngoài ra, NRF cũng dự đoán mức tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2014 sẽ cao hơn con số trung bình dài hạn trong lịch sử. Các ước tính ban đầu về tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể ở trong khoảng 2,6-3%, tăng nhẹ so với mức ước tính 1,9% năm 2013 và là mức tăng nhanh nhất trong 3 năm qua.

Ông Matthew Shay, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành NRF, cho hay sự cải thiện về tăng trưởng kinh tế Mỹ cùng với những dự đoán tích cực đối với chi tiêu tiêu dùng tiếp tục cải thiện đã mang lại một tín hiệu tích cực cho lĩnh vực bán lẻ trong năm 2014.

Các nhà phân tích sẽ nghiên cứu báo cáo quý 4/2013 mà các chuỗi cửa háng bán lẻ sẽ công bố vào cuối tháng Hai này song không chờ đợi những tin vui. Ông Ken Perkins, Chủ tịch Retail Metrics LLC, dự đoán lợi nhuận của ngành bán lẻ Mỹ trong quý 4/2013 sẽ giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2012, kết quả kém nhất kể từ quý 2/2009, với lợi nhuận giảm 6,7%. Trước đó, hồi đầu tháng 12/2013, ông Perkins dự đoán tăng trưởng lợi nhuận của ngành bán lẻ trong trong quý cuối cùng của năm 2013 là 2,5%.

Trong một diễn biến khác, Văn phòng Thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) cho biết doanh số bán lẻ đã được điều chỉnh theo mùa ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 12/2013 giảm 1,6% so với tháng 11/2013. Đây là mức giảm mạnh nhất trong 8 tháng qua, cho thấy tình trạng suy thoái kinh tế và hoạt động chi tiêu trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh cũng như Năm mới không thể thúc đẩy kinh tế của khu vực này bật lên. Trong khi đó, doanh số bán lẻ của Liên minh châu Âu (EU) trong tháng 12/2013 giảm 0,8% so với tháng 11/2013./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.