Ngành dịch vụ cưới hỏi đang phục hồi khi nước Mỹ mở cửa trở lại sau đại dịch, với doanh số bán nhẫn đính hôn tăng vọt trong thời gian gần đây.
Price Blanchard, Phó Chủ tịch điều hành tại Shane Co., một công ty kim hoàn có cửa hàng ở 14 thành phố ở Mỹ, cho biết công ty ghi nhận doanh số bán nhẫn đính hôn và nhẫn cưới trong bối cảnh cuộc sống bắt đầu trở lại bình thường.
Các buổi lễ đã bị trì hoãn do đại dịch COVID-19 cuối cùng cũng đã diễn ra, với những tiệc cưới lớn được tổ chức với sự góp mặt của gia đình và bạn bè.
Các công ty kim hoàn hàng đầu đều ghi nhận nhu cầu và doanh số bán hàng tăng đột biến trong tháng 4-5/2021, sau khi Mỹ triển khai mạnh mẽ chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên khắp đất nước.
Kyle Simon, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Clear Cut - công ty sản xuất nhẫn đính hôn có trụ sở tại New York, cho biết các khách hàng đang “săn lùng” nhẫn đính hôn vì cuối cùng họ cũng có thể đi du lịch và cầu hôn trong kỳ nghỉ. Doanh số bán hàng của công ty trong tháng Năm đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Hàng triệu người Mỹ đã phải đối mặt với thiệt hại kinh tế nghiêm trọng trong giai đoạn đại dịch bùng phát, nhưng những người vẫn có thể tiếp tục làm việc đã tiết kiệm một khoản tiền kha khá. Các biện pháp hạn chế du lịch và đóng cửa nhà hàng đồng nghĩa với việc một số người nhận thấy họ có thu nhập khả dụng nhiều hơn bình thường.
[Danh ca Ariana Grande bí mật tổ chức đám cưới với Dalton Gomez]
Theo Greg McBride, Giám đốc phân tích tài chính tại Bankrate - công ty dịch vụ tài chính tiêu dùng của Mỹ, do buộc phải cắt giảm chi tiêu trong thời kỳ nền kinh tế bị phong tỏa và hưởng lợi từ nhiều gói hỗ trợ tài chính của chính phủ, nhiều hộ gia đình đang tiết kiệm nhiều hơn so với trước đây. Khi các hoạt động kinh tế phục hồi trở lại, nhu cầu bị dồn nén được giải phóng thì phần lớn số tiền tiết kiệm này sẽ được “giải ngân.”
Stephanie Gottlieb, người sáng lập và thợ kim hoàn tại công ty trang sức Stephanie Gottlieb Fine Jewelry (Mỹ), cũng chỉ ra xu hướng các cặp đôi lựa chọn việc tổ chức đám cưới quy mô nhỏ hơn, nên họ có thể dành nhiều tiền hơn để mua nhẫn hoặc đồ trang sức để đeo trong ngày lễ quan trọng này.
Nhu cầu trang sức tăng và sản lượng sụt giảm do các biện pháp hạn chế để phòng ngừa COVID-19 đã dẫn đến tình trạng khan hiếm kim cương toàn cầu trong thời kỳ đại dịch. Katarzyna Zygnerska Rosales, người sáng lập và nhà thiết kế của công ty kim hoàn Kasia Jewelry (Mỹ), cho biết công ty gặp khó khăn khi phải tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu.
Bruce Cleaver, Giám đốc điều hành của công ty sản xuất kim cương lớn nhất thế giới De Beers Group (Nam Phi), bày tỏ sự lạc quan khi cho biết nhu cầu kim cương không hề có dấu hiệu chậm lại. Nhu cầu kim cương thô rất mạnh mẽ ở các thị trường tiêu thụ chính là Mỹ và Trung Quốc, và công suất khai thác ở Ấn Độ đang phục hồi./.