Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), doanh số bán xe điện (EV) dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm 2022, tuy nhiên cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong các lĩnh vực khác để giúp hành tinh đạt mục tiêu giảm phát thải ròng vào năm 2050.
Trong một thông báo đi kèm với bản cập nhật Theo dõi Tiến độ Năng lượng Sạch (TCEP), IEA cho biết đã có “những dấu hiệu tiến bộ đáng khích lệ trên một số lĩnh vực,” nhưng cảnh báo rằng cần phải có những “nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa” để đưa thế giới “đi đúng hướng để đạt được mức phát thải ròng bằng 0” vào giữa thế kỷ này.
[Na Uy trở thành “Thủ đô xe điện" của thế giới như thế nào?]
Đối với xe EV, IEA cho biết doanh số bán hàng toàn cầu đã tăng gấp hai lần trong năm 2021, chiếm gần 9% thị trường ôtô.
Trong tương lai, năm 2022 được “kỳ vọng sẽ chứng kiến mức doanh số bán xe điện cao kỷ lục, tỷ lệ xe điện trên thị trường toàn cầu lên 13%.
Trước đó, IEA đã công bố doanh số bán xe EV đạt 6,6 triệu chiếc trong năm 2021.
Trong quý đầu tiên của năm 2022, doanh số bán xe điện đạt 2 triệu chiếc, tăng 75% so với ba tháng đầu năm 2021.
Tuy nhiên IEA cũng lưu ý rằng xe điện vẫn chưa được coi là phổ biến trên toàn cầu. Doanh số bán xe EV ở các nước mới nổi và đang phát triển bị chậm lại do chi phí mua hàng cao hơn và thiếu cơ sở hạ tầng sạc điện.
IEA cho rằng cần cải thiện hiệu quả năng lượng của các thiết kế tòa nhà, phát triển hệ thống sưởi trong khu vực sạch và hiệu quả, loại bỏ dần sản xuất nhiệt điện than, loại bỏ khí mêtan, thay đổi nhiên liệu sử dụng trong ngành hàng không và vận tải sang nhiên liệu sạch hơn, và sản xuất ximăng, hóa chất và thép sạch hơn.
Việc cắt giảm lượng khí thải CO2 do con người tạo ra xuống còn 0 vào năm 2050 được coi là rất quan trọng để đạt được mục tiêu 1,5 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Báo cáo của IEA được đưa ra vào thời điểm mà cuộc tranh luận và thảo luận về các mục tiêu khí hậu và tương lai của năng lượng ngày càng trở nên gay gắt.
Tuần này, Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết các nền kinh tế phát triển nên đánh thuế bổ sung đối với lợi nhuận của các công ty nhiên liệu hóa thạch, trong đó số tiền này sẽ được chuyển đến các quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và các hộ gia đình đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Trong một bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Tổng thư ký Antonio Guterres đã mô tả ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch là “ăn theo hàng trăm tỷ USD trợ cấp và lợi nhuận thu được, trong khi ngân sách của các hộ gia đình bị thu hẹp và hành tinh bị đốt cháy”./.