Doanh số mua vàng tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng tới 51%

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, doanh số mua vào trong tháng 7/2020 đạt 132.458 lượng vàng, tương đương giá trị 6.899 tỷ đồng, tăng tới 51% so với tháng trước đó.
Doanh số mua vàng tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng tới 51% ảnh 1Giao dịch vàng tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín-Minh Châu. Ảnh minh họa. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Kể từ đầu tháng 7/2020, giá vàng trong nước có sự biến động mạnh theo giá vàng thế giới.

Doanh số mua bán vàng miếng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh gia tăng đáng kể, nhất là ở chiều mua vào.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, doanh số mua vào trong tháng 7/2020 đạt 132.458 lượng vàng, tương đương giá trị 6.899 tỷ đồng, tăng tới 51% so với tháng trước đó.

Doanh số bán ra cũng tăng cao, nhưng ở mức thấp hơn với tỷ lệ tăng 10%, ở mức 80.019 lượng vàng, tương đương giá trị 3.893 tỷ đồng.

[Ngân hàng Nhà nước có đủ nguồn lực để bình ổn thị trường vàng]

Trong tháng 7, trên địa bàn Thành phố không phát sinh cấp mới chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cho doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; đồng thời cũng không phát sinh cấp mới giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm cho doanh nghiệp.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, giá vàng thế giới có sự biến động mạnh do dịch COVID-19 tái phát tại nhiều quốc gia nên tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu; GDP của Mỹ trong quý 2/2020 sụt giảm gần 33%; GDP của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm 12,1%.

Ngoài ra, thông tin về vụ nổ ở thủ đô Beirut của Liban đầu tháng 8/2020; các gói kích thích kinh tế được các quốc gia triển khai làm tăng lo ngại về lạm phát; căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc... khiến giá vàng tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Cụ thể, đà tăng của giá vàng được duy trì từ đầu năm đến nay, khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu và liên tục lập đỉnh từ tháng 7/2020.

Đến ngày 5/8, giá vàng thế giới đạt mốc lịch sử 2.000 USD/ounce. Ngày 18/8, giá vàng bán ra tăng gần 473 USD/ounce so với cuối năm 2019.

Ở trong nước, giá vàng cũng biến động theo xu hướng tăng mạnh, chủ yếu do chịu tác động từ đà tăng của giá vàng thế giới và dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ngày 6/8, giá vàng SJC trong nước đạt mốc 60 triệu đồng/lượng, có thời điểm giao dịch trên mức 62 triệu đồng/lượng. Đến ngày 18/8, giá vàng trong nước bán ra tăng 15,7 triệu đồng/lượng so với mức giá cuối năm 2019.

Về mức chênh lệch giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước, tính tới thời điểm giữa tháng 8/2020, giá vàng thế giới quy đổi (theo tỷ giá trên thị trường tự do) thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 2,6 triệu đồng/lượng (so với giá vàng niêm yết tại SJC), thu hẹp hơn so với cuối tháng trước là 3,7 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, mức chênh lệch này vẫn cao hơn nhiều so với thời điểm cuối năm 2019 gần 138.000 đồng/lượng.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, giá vàng trong nước diễn biến tăng phù hợp với mức tăng của giá vàng quốc tế. Mặc dù giá vàng trong nước và thế giới có nhiều biến động, song thị trường vàng trong nước vẫn được đảm bảo, không xuất hiện tình trạng đầu cơ.

Tính đến cuối giờ chiều 26/8, giá vàng thế giới dao động ở mức 1.917,2-1.917,7 USD/ounce (mua vào-bán ra).

Giá vàng SJC theo đó cũng lùi về mốc 54,95-56 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa mua vào và bán ra chỉ còn hơn 1 triệu đồng/lượng, giảm mạnh so với thời điểm giữa tháng 8/2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.