Doanh thu bán lẻ tại Hong Kong giảm kỷ lục trong tháng Tám

Doanh thu bán lẻ tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, Trung Quốc trong tháng 8/2019 đã giảm xuống còn 29,4 tỷ HKD (3,75 tỷ USD), ghi dấu tháng giảm thứ bảy liên tiếp.
Doanh thu bán lẻ tại Hong Kong giảm kỷ lục trong tháng Tám ảnh 1Doanh thu bán lẻ tại Hong Kong giảm. (Nguồn: Shutterstock)

Theo số liệu từ Refinitiv, doanh thu bán lẻ trong tháng 8/2019 của Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn cả mức giảm 21,48% hồi tháng 9/1998, giữa bối cảnh các cuộc biểu tình khiến cho lượng du khách đến Hong Kong giảm sút, đồng thời làm giảm hoạt động chi tiêu tại đây.

Các nhà phân tích thị trường nhận định triển vọng tăng trưởng của Hong Kong đang bị “phủ mây đen” bởi các cuộc biểu tình và sự suy yếu của đồng Nhân dân tệ. Doanh thu bán lẻ tại Khu hành chính này trong tháng 8/2019 đã giảm xuống còn 29,4 tỷ HKD (3,75 tỷ USD), ghi dấu tháng giảm thứ bảy liên tiếp.

Trong tám tháng năm 2019, doanh thu bán lẻ giảm 6% so với cùng kỳ năm trước.

Phát ngôn viên của chính quyền Hong Kong cho rằng doanh thu bán lẻ sẽ vẫn “ảm đạm” trong ngắn hạn, khi triển vọng kinh tế xấu đi và các cuộc biểu tình tiếp tục đè nặng lên lòng tin của người tiêu dùng và tác động tiêu cực đến ngành du lịch.

[Hong Kong công bố gói hỗ trợ kinh tế trị giá hơn 2 tỷ USD]

Thống kê cho thấy khách sạn ở một số địa điểm chỉ lấp đầy một nửa số phòng với giá phòng giảm 40-70%. Lượng khách du lịch tới Hong Kong trong tháng Tám vừa qua giảm 39,1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 3,59 triệu lượt khách, ghi dấu mức sụt giảm lớn nhất kể từ tháng 5/2003, thời điểm bùng phát đại dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS). 

Phát ngôn viên trên cho biết, chính quyền Hong Kong sẽ theo dõi những tác động đối với thị trường lao động và nền kinh tế.

Hong Kong đang phải đối mặt với cuộc suy thoái đầu tiên sau một thập kỷ. Gần đây, Chính quyền Khu hành chính này đã hạ dự báo tăng trưởng cả năm 2019 xuống 0-1%, so với dự báo tăng trưởng 2-3% đưa ra trước đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.