Doanh thu ngành hàng không thế giới dự kiến giảm mạnh trong năm 2021

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế dự báo doanh thu ngành hàng không toàn cầu năm 2021 vẫn sẽ giảm 46% so với năm 2019, thời điểm trước khi bùng phát đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Doanh thu ngành hàng không thế giới dự kiến giảm mạnh trong năm 2021 ảnh 1Sân bay Jorge Newbery tại Buenos Aires, Argentina, đóng cửa ngày 20/3/2020 do dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ngày 27/10 dự báo doanh thu ngành hàng không toàn cầu năm 2021 vẫn sẽ giảm 46% so với năm 2019, thời điểm trước khi bùng phát đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong dự báo triển vọng trước đó, IATA dự báo doanh thu năm 2021 giảm 29% so với năm 2019 “dựa trên kỳ vọng về sự phục hồi nhu cầu bắt đầu từ quý IV/2020”.

Theo IATA, đại diện cho 290 hãng hàng không trên thế giới, dự báo trước đó khó trở thành hiện thực do làn sóng lây nhiễm đại dịch COVID-19 mới cũng như các biện pháp hạn chế của chính phủ các nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.

[Infographics] 2020 là năm tồi tệ nhất lịch sử hàng không thế giới

IATA dự báo lưu lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không trong cả năm 2020 sẽ giảm 66% so với năm ngoái. Trong một thông báo, Tổng Giám đốc IATA Alexandre de Juniac nhận định quý IV/2020 sẽ cực kỳ khó khăn và có rất ít dấu hiệu cho thấy tình hình kinh doanh trong nửa đầu năm 2021 sẽ tốt hơn.

Ngay cả khi cắt giảm chi phí mạnh mẽ, ông Alexandre de Juniac cho rằng các hãng hàng không sẽ vẫn cần thêm các khoản cứu trợ từ chính phủ để tránh tình trạng hết tiền mặt. Ngoài ra, ông Alexandre de Juniac kêu gọi các sân bay và cơ quan kiểm soát không lưu không tăng giá dịch vụ để bù đắp sự thiếu hụt do nhu cầu đi lại đường hàng không vẫn ở mức thấp.

Ông Alexandre de Juniac cũng cảnh báo việc chi phí nhiên liệu cho các hãng hàng không thấp nhờ giá dầu mỏ ở mức thấp cho các hãng hàng không trong năm nay, dự kiến sẽ “biến mất” vào năm 2021. Đồng thời ông nhận định khoảng 1,3 triệu việc làm trong ngành hàng không đang gặp rủi ro và tiềm ẩn tác động xấu tới hàng triệu người lao động khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.