Tổng cục Thống kê cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt 481,2 nghìn tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch COVID-19.
Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.679,2 nghìn tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 3,5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,1% (cùng kỳ năm 2021 giảm 5,1%).
Như vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2022 có quy mô cũng như tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây.
Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm 2022 ước đạt 2.925 nghìn tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 11,3%), chủ yếu do doanh thu cùng kỳ năm trước đạt thấp do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 26,7%; may mặc tăng 14,4%; phương tiện đi lại (trừ ôtô) tăng 14,1%; lương thực, thực phẩm tăng 12%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 7,6%.
Một số địa phương ghi nhận doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm 2022 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như Khánh Hòa tăng 27,8%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 18,2%, Bình Dương tăng 16,6%; Hải Phòng tăng 12,8%; Quảng Ninh tăng 12,2%; Hà Nội tăng 10,7%; Cần Thơ tăng 8,8%; Đà Nẵng tăng 6,7%.
[Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 42,6%]
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng năm 2022 ước đạt 377,8 nghìn tỷ đồng, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu vui chơi và du lịch của người dân tăng cao trong dịp hè sau hơn 2 năm hạn chế đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình.
Một số địa phương có doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước như Cần Thơ tăng 95,5%; Đà Nẵng tăng 84%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 76,3%; Quảng Ninh tăng 72%; Hà Nội tăng 65,2%; Đồng Nai tăng 37,2%; Bình Dương tăng 36,4%.
Doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng năm 2022 ước đạt 15,4 nghìn tỷ đồng, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch nội địa.
Một số địa phương ghi nhận mức doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng tăng trưởng 3 chữ số so với cùng kỳ năm trước như Cần Thơ tăng 621,5%; Đà Nẵng tăng 471,3%; Hà Nội tăng 335,8%; Hải Phòng tăng 177,9%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 127,6%. Tuy nhiên, doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng năm nay mới chỉ bằng 47,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Doanh thu dịch vụ khác 8 tháng năm 2022 ước đạt 361 nghìn tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể mức tăng 8 tháng so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Đà Nẵng tăng 69%; Vũng Tàu tăng 53,1%; Cần Thơ tăng 44,5%; Bình Định tăng 38,4%; Hà Nội tăng 22,7%; Quảng Ninh tăng 21,5%; Hải Phòng tăng 16,4%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 14,6%.
Để đẩy mạnh tiêu dùng, thời gian tới, Tổng cục Thống kê đề xuất Bộ Công Thương theo dõi sát những biến động của kinh tế thế giới và trong nước, chủ động tham mưu các giải pháp ứng phó phù hợp; đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành tăng cường hướng dẫn các doanh nghiệp tận dụng hơn nữa các FTA đã ký kết. Tận dụng và triển khai thực thi Hiệp định RCEP hiệu quả.
Ngoài ra, đổi mới thông tin thị trường, bảo đảm thực chất, hiệu quả, kịp thời thông tin về thay đổi trong chính sách quản lý nhập khẩu, những điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật và các rủi ro của thị trường.
Song song với đó, tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường, giá cả các hàng hóa do nhà nước quản lý; phối hợp trong thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với điều hành của nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa.../.