Độc đáo đám cưới người Giáy ở Tả Van với nhiều phong tục cổ

Người Giáy xem đám cưới là ngày hội vui và họ tin rằng đám cưới càng tổ chức lớn, càng đông vui thì hạnh phúc của đôi trai gái càng được bền lâu.

Những phong tục cổ trong đám cưới được người Giáy ở xã Tả Van (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) gìn giữ cho tới ngày nay. Người Giáy xem đám cưới là ngày hội vui và họ tin rằng đám cưới càng tổ chức lớn, càng đông vui thì hạnh phúc của đôi trai gái càng được bền lâu.

Trước khi diễn ra lễ cưới, đôi trai gái người Giáy phải trải qua một số nghi lễ theo phong tục như: “Thả mối mai” (dạm hỏi) và “mai mối lại” (mặc cả). Hai nghi lễ này chủ yếu bàn việc hôn nhân của đôi trẻ. Khi đã tìm được ngày tốt, nhà trai nhờ ông mối, bà mai đến nhà gái thông báo ngày giờ đón dâu.

Lễ đón dâu của người Giáy là tục lệ khá cầu kỳ và nhiều nét độc đáo. Đoàn đi đón dâu bao giờ cũng đủ các thành phần gồm có đội “pí lè” bốn người, hai cụ già, chú rể, phù rể, hai cô gái, một chàng trai dắt ngựa cho cô dâu và một đoàn người để gồng gánh lễ vật.

Khi nhà trai đi đón dâu đến cổng nhà gái sẽ phải trải qua lễ giữ là bị chặn ngang bởi sợi chỉ hồng, mấy cành gai cản lối. Sau đó là chiếc bàn với đôi chén, hai chai rượu, hai chậu nước lã với hai chiếc chổi rơm chặn cửa để làm phép.

Qua lễ giữ, nhà trai lại trải qua một tục lệ rất thú vị. Muốn qua được “cửa ải” này, nhà trai cần phải biết hát đối đáp với nội dung xin nhà gái bỏ tấm vải hồng cấm ngay đường vào. Sau khi vào nhà, nhà gái đem phẩm đỏ đánh dấu lên má từng người của nhà trai.

Sợi dây hồng cùng bàn lễ bày ngay trước cửa nhà gái để chuẩn bị đón nhà trai sang rước dâu.
Rượu, nước lã và mấy cái chén làm bằng thân tre đặt trên bàn lễ.
Nhà trai trên đường đi tới nhà gái đón dâu.
Đội pí lè trong đoàn đón dâu của nhà trai.
Đoàn rước dâu vừa đi vừa nổi nhạc thể hiện niềm vui mừng.
Nhà gái hát đối khi nhà trai tới đón dâu.
Nhà trai hát đối lại.
Gia đình nhà gái bôi phẩm đỏ lên mặt các thành viên trong đoàn nhà trai.
Nhà trai trao lễ vật ngày cưới cho nhà gái.

Hết phần lễ trong lễ trao dâu là đến bữa tiệc chung vui tại nhà gái. Trong mâm cỗ, mỗi người có mặt sẽ chúc mừng cô dâu chú rể bằng những chén rượu cùng những làn điệu đối đáp đượm nghĩa tình.

Cuối bữa tiệc, nhà gái sắp một mâm dài mời ông, bà, bố mẹ, họ hàng của người con gái đến ngồi bên ông mối nhà trai làm lễ xin dâu. Hai họ lại dùng những câu hát để nhắc nhở dặn dò đôi trai gái.

Nhà trai hát: “Phải phải đấy, đúng đúng đấy, bên ngoại, giờ tốt bên nội sắp tới rồi, nào ta hãy sẵn sàng, nào ta hãy đứng dậy...”. Và bên nhà gái hát đối lại: “Phải phải rồi, đúng đúng rồi, hai người mai mối, giờ tốt bên nội tới, cha mẹ xin một lời dặn con, từ nay trở về sau, đi bùn đừng tránh lội, chớ dối lời bạn thương, đừng cười người chồng mình, ban đêm nên thức khuya, buổi sáng cần dậy sớm...”

Người Giáy quan niệm làm dâu là một việc khó, chính vì thế các lời hát trong nghi thức trao dâu là những lời tâm sự, dạy bảo chân thành của mọi người đối với cô dâu.

Những lời dạy bảo này sẽ giúp cô dâu ứng xử tốt hơn với họ hàng nhà chồng, nhất là bố mẹ và anh em của chú rể. Sau khi đã xong thủ tục xin dâu, cô dâu đi từ buồng ra cùng chú rể đến trước bàn thờ cúi lạy tổ tiên.

Cô dâu được chị gái chuẩn bị trang phục trong ngày cưới.
Chú rể dùng ngựa giấy đi đón cô dâu.
Nhà trai cử một người phụ nữ to khỏe cõng cô dâu về nhà trai.
Cô dâu chú rể được thầy cúng dùng nước té lên người để đuổi tà ma trước khi lên đường sang nhà trai.
Cô dâu được nhà trai đón về nhà làm lễ.
Chú rể mở tấm khăn đỏ khi đón cô dâu về phòng cưới.
Cô dâu về nhà chồng, cởi băng đỏ cho chú rể.

Khi đón cô dâu về tới nhà trai, trước khi cô dâu vào nhà, thầy cúng bên nhà trai chuẩn bị gà, rượu, hạt thóc, ngô, lá khô băm, chậu nước phép tung qua người cô dâu để trừ tà.

Bởi theo quan niệm của người Giáy, trên đường đi có thể cô dâu sẽ bị ma xấu đi theo, sau đó cô dâu mới được vào nhà trong làm lễ tổ tiên.

Cuối cùng, cô dâu và chú rể vào buồng bỏ khăn che mặt, tháo băng đỏ và chính thức là vợ chồng./.

(Báo ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục