Chiều 13/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở (Ban Chỉ đạo Trung ương) tổ chức tổng kết việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Tạo động lực vươn lên, khắc phục khó khăn
Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Nguyễn Lam cho biết, trong năm 2021, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; đồng thời tiếp tục thực hiện linh hoạt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.
Bên cạnh đó, tiềm năng, lợi thế, sức mạnh, trí tuệ của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp được khơi dậy trong nhiều phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo,” tạo động lực vươn lên, khắc phục khó khăn. Các chủ trương, chính sách được công khai, minh bạch, thông tin kịp thời, chính xác đến người dân, doanh nghiệp.
Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, tổ chức, người lao động và nhân dân; giải quyết kịp thời các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân ngay từ cơ sở, hạn chế việc phát sinh khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài, góp phần thực hiện hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ thưởng.”
Việc phát huy dân chủ trực tiếp và gián tiếp của nhân dân được thực thi có hiệu quả trong mọi hoạt động của đời sống xã hội.
Từ việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến đổi mới hoạt động của cơ quan nhà nước, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tình hình mới vì mục đích phục vụ, chăm lo tốt hơn cho nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trở thành nền nếp tốt ở hầu hết các địa phương. Chính quyền xã, phường, thị trấn tích cực thực hiện cơ chế “một cửa,” “một cửa liên thông,” ứng dụng công nghệ thông tin, công khai các thủ tục, quy trình giải quyết hồ sơ hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ… với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, chăm lo cho nhân dân.
Một số địa phương duy trì giao ban giữa thường trực cấp ủy, chính quyền với đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác Mặt trận các thôn, bản, tổ dân phố.
Các hoạt động tự quản cộng đồng ở cơ sở đã giúp cho việc giải quyết nhanh chóng, có hiệu quả những vướng mắc trong nội bộ nhân dân và giải quyết nhiều vấn đề phát sinh liên quan đến đời sống của nhân dân ở địa bàn dân cư.
Cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện đầy đủ các nội dung công khai, nhất là trong hoạt động quản lý, điều hành, để cán bộ, công chức, viên chức biết, bàn bạc, tham gia ý kiến và kiểm tra, giám sát với các hình thức phong phú, phù hợp.
Việc thực hiện dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan được chú trọng gắn với thực hiện quy tắc ứng xử; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; gia tăng tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến vào các đầu mối cấp trên…
Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa văn minh công sở khi giao tiếp với nhân dân trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức được tăng cường, nhiều địa phương đã tiến hành kiểm tra, giám sát đột xuất, không báo trước.
Các doanh nghiệp ngày càng chú trọng thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc và có những chuyển biến tích cực, thúc đẩy các bên trong quan hệ lao động đối thoại có chất lượng hơn, giải quyết hài hòa lợi ích các bên, xây dựng quan hệ lao động ổn định, tiến bộ, bảo đảm đời sống người lao động và hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp đã phối hợp, tạo điều kiện để tổ chức đại diện người lao động tuyên truyền các quy định của pháp luật về lao động, chính sách, các quy chế, quy định của doanh nghiệp; phối hợp kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật lao động, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu
Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam… đã phân tích, làm rõ những tồn tại, hạn chế trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Thực tế, một số nơi vẫn tồn tại tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm; thủ tục hành chính có cải thiện nhưng vẫn còn gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Việc thực hiện quyền giám sát của cán bộ, công chức, viên chức liên quan đến thực hiện chế độ, chính sách còn hạn chế. Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết dứt điểm, tiềm ẩn những điểm nóng (trên 60% liên quan đến đất đai).
[Công tác dân vận của Đảng hướng mạnh về cơ sở, bám sát nhân dân]
Việc sửa đổi, bổ sung quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo Nghị định145/2020/NĐ-CP của Chính phủ tại một số doanh nghiệp triển khai thực hiện còn chậm. Tình trạng trốn, nợ đóng bảo hiểm xã hội chưa được khắc phục hiệu quả…
Năm 2022, Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở các cấp tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về nội dung liên quan đến quyền làm chủ của nhân dân, Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII), Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), các văn bản về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Đồng thời, cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hiện dân chủ, đồng thời, đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động, giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước.
Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở các cấp xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; phát triển Chính phủ, chính quyền điện tử, nền kinh tế số, xã hội số một cách phù hợp, thực chất và hiệu quả, mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; tăng cường thực hiện quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.
Cùng với việc nêu cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên trong thực hành dân chủ, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở các cấp nghiêm túc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về tiếp dân; tăng cường tiếp xúc, đối thoại, hoạt động hòa giải ở cơ sở và giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả, tăng cường sự tham gia của người dân trong các hoạt động tự quản cộng đồng; giám sát việc thực hiện chương trình hành động của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp…/.