Ngày 1/8/1930 được chọn là Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng. Từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng, mà trực tiếp là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ngành Tuyên giáo luôn nỗ lực phấn đấu không ngừng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó.
Kế thừa, phát huy truyền thống 93 năm qua, ngành Tuyên giáo đã nỗ lực hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, với chất lượng, hiệu quả được nâng lên rõ rệt trên các mặt công tác.
Trong hơn 2,5 năm qua kể từ sau Đại hội XIII của Đảng, điểm sáng nổi bật là sự đổi mới, nâng cao hiệu quả việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng, nhất là những chủ trương mới, qua đó khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đổi mới sáng tạo phương thức tuyên truyền nghị quyết
Theo Tiến sỹ Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương, phát huy vai trò “đi trước, mở đường," ngay sau Đại hội XIII của Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương tích cực, chủ động tham mưu trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 01-CT/TW về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kịp thời tham mưu xây dựng, ban hành Kế hoạch, Hướng dẫn nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết.
Ban cũng nhận thức sâu sắc đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, cần thực hiện một cách cẩn trọng, nghiêm túc, bài bản trong suốt cả nhiệm kỳ, nhằm đưa những quyết định của Đại hội nhanh chóng trở thành hiện thực sinh động.
Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn cả nước, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ động tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị chủ trương tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng theo hình thức trực tuyến, bảo đảm yêu cầu thiết thực, hiệu quả, thực chất. Tại Hội nghị này, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII trực tiếp tham gia truyền đạt Nghị quyết, nên hiệu quả quán triệt, tuyên truyền rất cao.
Hình thức trực tuyến cũng được áp dụng rộng rãi trong các hội nghị khác của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương nhằm triển khai nghiên cứu, học tập, cụ thể hóa, thực thi Nghị quyết Đại hội XIII, như Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng... Trong đó, Tổng Bí thư trực tiếp chủ trì một số hội nghị, thể hiện sự đổi mới trong nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng một cách chuyên sâu theo các lĩnh vực, đúng theo tinh thần: “Trên dưới đồng lòng" và "Dọc ngang thông suốt."
“Hình thức trực tuyến cho phép việc tổ chức hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết diễn ra cùng một thời điểm, phạm vi rộng, số lượng đại biểu tham dự lớn, tính thời sự cao, tiết kiệm thời gian, kinh phí. Việc đôn đốc, kiểm tra, nắm bắt tình hình quán triệt, triển khai học tập nghị quyết của cấp ủy cấp trên đối với cấp ủy cấp dưới thuận tiện. Báo chí được định hướng trực tiếp, kịp thời," Tiến sỹ Đoàn Văn Báu cho biết.
Sau hội nghị trực tuyến, Ban Tổ chức hội nghị có thể gửi video bài giảng để cung cấp cho các địa phương, đơn vị tiếp tục phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Như vậy, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hết sức phức tạp, gây nhiều khó khăn, trở ngại đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, song việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã được cấp ủy đảng, các cấp, các ngành chủ động, linh hoạt, kịp thời triển khai một cách hiệu quả bằng nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế.
Theo kết quả điều tra của Viện Dư luận Xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao các hình thức tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Là người được tham dự các hội nghị trực tuyến phổ biến, quán triệt nghị quyết của Đảng do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức thời gian qua, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh Đảng tiến hành Đại hội XIII trong bối cảnh khá đặc biệt, chưa từng có tiền lệ là trong tình trạng đại dịch COVID-19 đang hoành hành.
Trong bối cảnh đó, ngành Tuyên giáo đã thể hiện được phương châm biến nguy thành cơ, biến những bất lợi do COVID-19 gây ra thành động lực cho đổi mới, sáng tạo phương thức tuyên giáo, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức các hội nghị trực tuyến mang quy mô toàn quốc, từ Trung ương đến tận cơ sở, giúp lan tỏa rất nhanh chủ trương, nghị quyết của Đảng.
"Trước kia tầng tầng, nấc nấc, từng cấp bậc, từ cấp trung ương đến cấp trực thuộc Trung ương rồi đến quận, huyện, xã, phường truyền đạt nghị quyết, thì nay chỉ gói gọn trong một hội nghị trực tuyến. Thậm chí có những hội nghị, đích thân những đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, những người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và soạn thảo văn kiện ấy truyền đạt đến 1/5 đảng viên, tức là gần 1.000.000 người được nghe đồng thời một lúc. Như vậy, nghị quyết vào cuộc sống rất nhanh và có tính thuyết phục rất cao," Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Văn Cường cho hay.
[Ngành tuyên giáo đổi mới phương thức hoạt động, bám sát thực tiễn]
Là một cán bộ cấp cơ sở, bà Phan Thanh Yên, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, cho biết trước đây cán bộ cấp cơ sở như bà thường phải đợi một khoảng thời gian tương đối dài để được tham dự hội nghị phổ biến, quán triệt nghị quyết mới của Đảng do địa phương tổ chức. Điều này có những bất cập, đơn cử như cùng cấp cơ sở nhưng nơi này được phổ biến nghị quyết và triển khai vào thực tế, trong khi có nơi còn phải đợi phổ biến. Từ đó có độ vênh trong triển khai nghị quyết. Tuy nhiên, kể từ khi Đảng triển khai hình thức hội nghị trực tuyến phổ biến nghị quyết của Trung ương đến tận cơ sở thì những bất cập trên cơ bản được khắc phục.
“Nghị quyết của Đảng là những định hướng phát triển đất nước, là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng, thể hiện ý chí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, khi được nghe phổ biến trực tiếp từ các lãnh đạo Trung ương sẽ giúp cán bộ, đảng viên cơ sở hiểu rõ, hiểu sâu hơn, qua đó tạo được thống nhất nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, đồng thuận trong nhân dân. Đây là tiền đề cho sự thành công trong tổ chức thực hiện nghị quyết, đảm bảo nghị quyết đi vào cuộc sống," bà Phan Thanh Yên nhấn mạnh.
Khát vọng chấn hưng, phát triển văn hóa dân tộc
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Cường, một dấu ấn của ngành Tuyên giáo thời gian qua đó là ngành đã tích cực đưa các chủ trương, đường lối của Đảng sớm đi vào cuộc sống, nhất là những vấn đề thời sự.
Một trong những chủ đề lý luận thời gian qua mà Đại hội XIII đề ra như một nhiệm vụ trọng tâm, đó là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong mối quan hệ thống nhất, biện chứng, tạo nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Trên cơ sở đó, tháng 11/2021, Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII về lĩnh vực văn hóa. Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó phác thảo nội hàm của hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia-dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại.
Triển khai những định hướng, chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, thời gian qua, ngành Tuyên giáo đã liên tục tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học để làm rõ và phát huy các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; cùng với đó là tăng cường chăm lo cho đội ngũ các văn nghệ sỹ, những người làm công tác văn hóa trên cả nước.
Giải pháp thứ hai về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, trong bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, có nêu: xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới; sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tùy tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa, ở cả trung ương và địa phương.
Với nhận thức như vậy, lần đầu tiên, ngành Tuyên giáo đã tham mưu cho Đảng tổ chức hội nghị gặp gỡ giữa Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ tiêu biểu để “cần kíp” phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ trong và ngoài nước đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển nền khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, văn học, nghệ thuật của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Nếu như Hội nghị Văn hóa Toàn quốc để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa diễn ra cách đây hơn 1 năm là dịp Đảng đưa ra “cương lĩnh” mới về văn hóa thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hội nghị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ nhân dịp Xuân Quý Mão 2023 có thể coi như một “Hội nghị Diên Hồng” về văn hóa, trí thức.
330 đại biểu, trong đó có 210 đại biểu đại diện cho giới trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ có nhiều thành tích xuất sắc đã cùng trao đổi, chia sẻ cởi mở về những kinh nghiệm, kết quả nổi bật và quyết tâm cống hiến, cũng như "hiến kế," đề xuất những giải pháp cho Đảng, Nhà nước trong việc thu hút nhân tài, phát triển văn hóa, thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho rằng lúc này Đảng cần tiếp tục đầu tư cho các văn nghệ sỹ.
“Đây là đầu tư lớn nhất, quan trọng nhất. Đầu tư đó sẽ tạo ra cảm hứng lớn nhất và sự thấu hiểu lớn nhất về các nhà văn” - ông Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh. Đồng thời ông cho rằng, khi "chúng ta đặt lòng tin thì họ sẽ mở lòng, bày tỏ và dấn thân."
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc triển khai khẩn trương, quyết liệt những định hướng, chủ trương lớn của Đảng về văn hóa sẽ giúp tạo ra một nguồn sinh lực mới, khí thế mới cho sự nghiệp xây dựng, chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, được dư luận rộng rãi hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ cao.
“Điều đó đã truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta về quyết tâm xây dựng văn hóa trong thời kỳ mới... Đây là những tín hiệu rất đáng mừng đối với những người yêu văn hóa và nhân dân cả nước. Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong việc khai thông nhận thức hơn nữa về vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững đất nước, từ đó hình thành nên các hành động cụ thể, thực tiễn phù hợp để tạo điều kiện phát triển văn hóa cũng như để văn hóa góp phần tích cực hơn cho sự phát triển đất nước," Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn khẳng định.
Những kết quả, dấu ấn nổi bật đã đạt được thời gian qua là hành trang quý báu để ngành Tuyên giáo của Đảng không ngừng đổi mới, sáng tạo, vượt qua những khó khăn, thách thức, vững bước đi lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng vai trò “đi trước mở đường” trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở đất nước ta vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”./.