Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách lớn, thể hiện sự đãi ngộ đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với người có công, cũng là trách nhiệm, sự ghi nhận, tôn vinh những cống hiến của các anh hùng liệt sỹ, thương, bệnh binh đối với đất nước.
Chính sách, pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng không chỉ mang tính chính trị, kinh tế, xã hội, mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, qua đó thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; giáo dục thế hệ trẻ có ý thức rèn luyện, phấn đấu vươn lên, góp phần xây dựng đất nước, bảo vệ những thành quả mà ông cha đã ra sức giữ gìn.
Việc tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các chính sách, pháp luật ưu đãi người có công sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa,” đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của toàn xã hội đối với công tác này.
Thể hiện nghĩa tình và sự tri ân
Chính sách người có công đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành là Sắc lệnh số 20/SL ngày 16/2/1947 quy định về “Hưu bổng thương tật, tiền tuất cho thân nhân liệt sỹ,” sau này đã được bổ sung bằng Sắc lệnh số 242/SL ngày 12/10/1948 quy định tiêu chuẩn xác nhận thương binh, truy tặng “tử sỹ,” thực hiện chế độ “lương hưu thương tật” đối với các thương binh, chế độ “tiền tuất” đối với gia đình liệt sỹ.
Từ năm 1986 đến nay, trong công cuộc đổi mới đất nước, chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công luôn được Nhà nước quan tâm, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nhằm từng bước cải thiện đời sống người có công và thân nhân, phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đời sống của nhân dân.
[Công tác chăm sóc người có công với cách mạng là nhiệm vụ cao quý]
Nổi bật nhất là việc ban hành Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng năm 1994 (Pháp lệnh Ưu đãi người có công) và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng” năm 1994. Đây là hai văn bản pháp luật nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 1992, đánh dấu sự tiến bộ trong hệ thống chính sách ưu đãi xã hội đối với người có công, cùng với các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành hai Pháp lệnh này, tạo thành hệ thống pháp luật về ưu đãi người có công.
Sau 10 năm đi vào cuộc sống, Pháp lệnh ưu đãi năm 1994 đã được tham mưu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước vào các năm 1998, 2000. Năm 2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thay thế Pháp lệnh năm 1994 vì không còn phù hợp với thực tiễn.
Tiếp theo đó, năm 2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công năm 2005. Ngày 9/4/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng...
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhận định trong hơn 10 năm trở lại đây, việc nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về ưu đãi người có công luôn được quan tâm, chú trọng, đã có trên 100 văn bản được ban hành của cơ quan hành chính Nhà nước dưới các dạng Nghị định, Quyết định, Thông tư.
Đến nay, đã có 12 diện đối tượng người có công được quy định tại Pháp lệnh; toàn quốc đã xác nhận trên 9 triệu người có công, trong đó có trên 1,2 triệu liệt sỹ, 127.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng, trên 800.000 thương binh, 110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, gần 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận.
Chế độ ưu đãi đối với từng diện đối tượng người có công được quy định ngày càng đầy đủ, bao phủ hầu hết các mặt trong đời sống. Trong đó, trợ cấp ưu đãi được quy định phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội từng thời kỳ, bảo đảm mức sống của người có công và thân nhân... với ngân sách nhà nước hàng năm chi trên 30.000 tỷ đồng; hàng năm Chủ tịch nước cũng dành gần 900 tỷ đồng tặng quà cho các đối tượng chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán và dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sỹ.
Việc chăm sóc người có công với trách nhiệm và lòng biết ơn là một nét đẹp, một truyền thống nhân văn lâu đời của dân tộc. Sự đóng góp của cộng đồng là nguồn lực không thể thiếu để đạt được mục tiêu của chính sách, là nguồn bổ sung phong phú, góp phần cùng Nhà nước chăm sóc tốt hơn, chu đáo hơn đời sống người có công.
Cùng với chính sách của Đảng và Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được phát triển rộng khắp trong cả nước. Tính riêng từ năm 2013-2017, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” Trung ương đã vận động được trên 17,8 tỷ đồng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của địa phương vận động được gần 5.200 tỷ đồng. Cả nước đã tặng 63.523 sổ tiết kiệm tình nghĩa với tổng kinh phí gần 2.900 tỷ đồng; xây mới trên 44.650 nhà tình nghĩa, sửa chữa 40.760 nhà tình nghĩa trị giá hơn 10.700 tỷ đồng... Phong trào nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng được tiếp tục đẩy mạnh, với 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các đơn vị, cơ quan phụng dưỡng.
Bên cạnh đó, công tác tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công được thực hiện để bảo đảm người có công, thân nhân người có công được thực hiện đầy đủ, công bằng. Sau tổng rà soát, cả nước còn khoảng 30.000 trường hợp kê khai nhưng chưa được xác nhận người có công, trong đó có 5.900 trường hợp liệt sỹ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục triển khai công tác này, bảo đảm giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng người có công; phát hiện những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách.
Những kết quả đó mang đậm tính nghĩa tình, tri ân sâu nặng đối với liệt sỹ và thân nhân liệt sỹ, phần nào xoa dịu đau thương, mất mát của những người ở lại, thể hiện được trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với những người đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc; đánh dấu những nỗ lực của ngành lao động-thương binh và xã hội trong thời gian vừa qua đối với công tác này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Hiện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông đang chuẩn bị các bước để ra mắt Cổng thông tin điện tử về liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ vào ngày 26/7 năm nay. Đây là hệ thống ứng dụng đầu tiên của Chính phủ được xây dựng, phát triển với mục tiêu cung cấp thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ đến với người dân; cập nhật, bổ sung và kiểm soát tính chính xác của các thông tin hiện tại của Cục Người có công đang quản lý, sử dụng.
Việc xây dựng Cổng thông tin điện tử này không chỉ có ý nghĩa tâm linh, còn là nghĩa cử tri ân đối với những người đã hy sinh thân mình vì đất nước; tạo điều kiện cho nhân dân, thân nhân các liệt sỹ tiếp cận thông tin nhanh nhất; hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho thân nhân các liệt sỹ trong hành trình tìm mộ người thân, góp phần làm vơi đi nỗi đau chiến tranh.
Mới đây, ngày 24/7, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2018/NĐ-CP quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài. Điều này đánh dấu bước phát triển mới trong việc hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công.
Hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ
Có thể thấy hành lang pháp lý và cơ chế triển khai thực hiện chính sách ưu đãi người có công đã tương đối đầy đủ, hoàn thiện. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Công tác quản lý đối với lĩnh vực ưu đãi người có công vẫn còn một số địa phương chưa chú trọng cải cách hành chính gắn với phòng chống tham nhũng trong việc xác lập hồ sơ hưởng chế độ và quản lý đối tượng người có công. Một số vấn đề trong xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi người có công chưa được nghiên cứu, bổ sung, thống nhất...
Ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) dẫn chứng cho đến nay, công tác xác nhận người có công chưa được triển khai đồng bộ, thống nhất ở các địa phương. Thực tế chứng minh còn một số chính sách chưa được nghiên cứu, bổ sung quy định và hướng dẫn triển khai, như chưa có quy định về chế độ ưu đãi đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, bị địch bắt, tù sau ngày 30/4/1975; chưa có quy định chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa còn sống; chưa quy định rõ thẩm quyền hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ xác nhận lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa; chưa quy định chế độ ưu đãi đối với vợ hoặc chồng liệt sỹ đã lấy chồng hoặc vợ khác.
Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005 (sửa đổi năm 2012) chưa có quy định cụ thể nhằm phát huy được tiềm lực, sức mạnh của thế kiềng ba chân là Nhà nước, cộng đồng và cá nhân. Nguồn chi trả cho người có công với cách mạng mặc dù có nhiều sửa đổi, bổ sung, nhưng chủ yếu vẫn từ ngân sách nhà nước, trong khi ngân sách nhà nước còn hạn chế, số lượng người có công lại khá lớn.
Bên cạnh đó, công tác thanh, kiểm tra việc xác lập hồ sơ giải quyết chế độ trong những năm qua mặc dù đã được tăng cường, nhưng nhìn chung tình trạng khai man hồ sơ, xác nhận sai sự thật vẫn diễn ra ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương, gây bức xúc trong dư luận, trong đó đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chiếm tỷ lệ lớn. Nhiều trường hợp không có khả năng thu hồi số tiền đã hưởng sai chế độ do hoàn cảnh hiện nay thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đã chết hoặc bị bệnh hiểm nghèo...
Để tiếp tục triển khai thực hiện các quy định về chế độ, chính sách đối với người có công đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cần khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ để hướng dẫn, triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công. Hiện, theo đề nghị của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các địa phương đã, đang thực hiện việc tổng kết 5 năm việc thực hiện Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 nhằm đánh giá toàn diện việc thực hiện Pháp lệnh để đề xuất với Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số quy định trong chính sách người có công, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thực hiện tốt chủ trương của Đảng qua các thời kỳ Đại hội X, Đại hội XI, Đại hội XII, ông Đào Ngọc Lợi cho biết.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cần nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa trong việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nhằm góp phần chăm sóc ngày càng tốt hơn người có công với cách mạng và gia đình họ, phát huy truyền thống quý báu "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam Anh hùng. Thực tế vẫn còn đó, rất nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt và lâu dài cần được tổ chức thực hiện thật tốt với tất cả lòng tri ân chân thành, tình cảm sâu sắc và việc làm cụ thể như tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; giải quyết căn bản việc xác nhận hồ sơ tồn đọng, xác nhận người có công với cách mạng. Bên cạnh đó, cần quan tâm, thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình người có công, huy động mọi nguồn lực xã hội trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng truyền thống cách mạng, sự đóng góp, hy sinh của những người và gia đình người có công với cách mạng.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục tổng kết, nghiên cứu, xây dựng trình ban hành Pháp lệnh mới thay thế nhằm thực hiện tốt hơn chính sách người có công, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực này; đẩy mạnh cải cách hành chính, không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực ưu đãi xã hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Đồng thời, ngành cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong công tác quy hoạch mộ, nghĩa trang liệt sỹ; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và công tác xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin; tăng cường thanh, kiểm tra kịp thời để xử lý những sai sót trong việc xác nhận, thực hiện chính sách ưu đãi người có công./.