Đổi mới và phát triển doanh nghiệp: Vẫn "nóng" trên, "lạnh" dưới

Chủ tịch VCCI cho rằng không khí cải cách theo hướng kiến tạo phát triển "hừng hực" trong Chính phủ và các bộ, ngành, nhưng không khí cải cách chưa chuyển đến cấp cơ sở, “nóng trên," "lạnh dưới."
Đổi mới và phát triển doanh nghiệp: Vẫn "nóng" trên, "lạnh" dưới ảnh 1 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Kết quả đầu tiên và quan trọng nhất được hầu hết các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước ghi nhận sau gần một năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP là đã góp phần tạo dựng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào cam kết về một Chính phủ kiến tạo, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Đã có sự chuyển dịch về tư tưởng, nhận thức trong bộ máy công quyền ở cả trung ương và địa phương với tinh thần phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Nhận định trên được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đưa ra tại cuộc họp sáng 9/2, sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, chuẩn bị cho cuộc gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp tới đây.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp chủ trì cuộc họp.

Đạt kỷ lục về số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 63/63 tỉnh, thành phố đã ký cam kết về tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Một số địa phương, điển hình như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Tháp có sự vào cuộc trực tiếp của người đứng đầu, đem lại những chuyển biến, đóng góp tích cực đến sự phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn.

Qua đối thoại với doanh nghiệp, nhiều nút thắt trong cơ chế chính sách đã được tháo gỡ. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh.

Năm 2016 ghi nhận lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đạt kỷ lục cao chưa từng có với hơn 110.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng vốn đăng ký đạt hơn 891.000 tỷ đồng, tăng gần 49% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là hơn 26.600 doanh nghiệp, tăng khoảng 43,1%.

Không khí khởi nghiệp tiếp tục sôi động trong tháng 1/2017 với số doanh nghiệp thành lập mới đạt gần 9.000 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký đạt gần 90,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% về số doanh nghiệp và 52,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10 tỷ đồng, tăng 40,9%.

Còn “nóng trên," "lạnh dưới"

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương nhận thức về Nghị quyết 35 chưa sâu sắc, chỉ đạo triển khai chưa quyết liệt. Việc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp ở một số địa phương còn nặng về hình thức; chỉ bước đầu ghi nhận kiến nghị, chưa đi vào thực chất, chưa quyết liệt trong giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng như theo dõi, giám sát quá trình thực hiện đến cùng, để có kết quả cụ thể.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và rất phấn khởi, tích cực hưởng ứng việc ban hành Nghị quyết. Không khí cải cách theo hướng kiến tạo phát triển "hừng hực" trong Chính phủ và các bộ, ngành, nhưng không khí cải cách chưa chuyển đến cấp cơ sở, “nóng trên," "lạnh dưới."

Đa số các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết không có chế tài trong trường hợp hoạt động không được triển khai hoặc triển khai không hiệu quả, chưa đề cao vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể, xã hội nghề nghiệp.

Nhận diện những khó khăn, vướng mắc để tập trung giải quyết

Theo ông Vũ Tiến Lộc, thách thức lớn nhất là đưa không khí cải cách đến được với cấp vụ, cấp phòng, tới chuyên viên. Hầu hết ý kiến lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết quan trọng này của Chính phủ, chưa cần phải bổ sung, sửa đổi nội dung Nghị quyết.

Đổi mới và phát triển doanh nghiệp: Vẫn "nóng" trên, "lạnh" dưới ảnh 2Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn muốn từng năm một, Chính phủ lựa chọn các giải pháp ưu tiên, có tính lan tỏa để thực hiện triệt để, đồng thời đề nghị cần đánh giá nhanh chính sách tín dụng về đất đai trong nông nghiệp; sớm sửa đổi chính sách pháp luật đất đai sản xuất, nhất là quyền sử dụng đất là những vướng mắc cản trở doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần có đánh giá về cả lượng và chất sau một năm thực hiện Nghị quyết 35. Phát triển nhiều về số lượng doanh nghiệp nhưng điều quan trọng là “sức khỏe” của doanh nghiệp, là hiệu quả kinh doanh, cần làm rõ có bao nhiêu doanh nghiệp đang hoạt động, có mã số thuế và phát sinh thuế, tỷ trọng doanh nghiệp làm ăn có lãi so với năm trước.

“Thà ít mà tốt, một doanh nghiệp khỏe còn hơn 5-7 doanh nghiệp kém hiệu quả," Phó Thủ tướng nói.

Để doanh nghiệp hoạt động tốt, Phó Thủ tướng cho rằng cần nhận diện những khó khăn, vướng mắc hiện nay để tập trung giải quyết trong năm 2017. Ba vấn đề cần quan tâm đánh giá, đó là kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phù hợp với mong muốn chi phí thấp, ít rủi ro về pháp lý; trách nhiệm của Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động trong việc nâng cao năng suất lao động, để tăng thu nhập của người lao động và thực trạng bức tranh "sức khỏe" của doanh nghiệp.

Nhấn mạnh tinh thần tạo thuận lợi thương mại cao nhất cho doanh nghiệp trong đầu tư kinh doanh, theo Phó Thủ tướng, cần đánh giá 5 loại thị trường: vốn; hàng hóa-dịch vụ (bao gồm trong nước và xuất khẩu, biên mậu); bất động sản, tiếp cận đất đai; khoa học công nghệ và thị trường lao động, xem nút thắt thị trường ở đâu để tháo gỡ.

Cũng theo Phó Thủ tướng, phải chỉ cho được "nóng trên," "lạnh dưới” là lạnh ở đâu, thống kê từng tỉnh cam kết hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào, thực hiện được bao nhiêu, cũng như chỉ ra các nguyên nhân khách quan, chủ quan trong thực hiện Nghị quyết, kiện toàn hệ thống chính sách, tổ chức thực thi pháp luật.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, địa phương, VCCI xây dựng báo cáo việc thực hiện Nghị quyết 35. Từ nay tới khi tổ chức hi nghị, các địa phương tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp ở từng cấp, tránh để dồn tấat cả các kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính đánh giá sâu về hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kết quả tạo thuận lợi thương mại và thực hiện cơ chế 1 cửa quốc gia, việc đơn giản hóa 73 thủ tục kiểm tra chuyên ngành liên quan nhiều tới các ngành sản xuất; có giải pháp phát triển thị trường vốn chứng khoán, hỗ trợ cho khối ngân hàng.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra các giải pháp tốt hơn để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các kiến nghị cụ thể về thị trường quyền sử dụng đất và vấn đề tích tụ ruộng đất. Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp theo quy định của Thủ tướng và khơi thông thị trường khoa học công nghệ…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.