Hội nghị đối ngoại đa phương thế kỷ 21 và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam được tổ chức ngày 12/8 tại Hà Nội. Đây dịp tổng kết chặng đường gần 30 năm đối ngoại đa phương của Việt Nam, đánh giá thành tựu cũng như đúc rút những bài học về đối ngoại đa phương của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực trong thời kỳ đổi mới.
Tại đây, các đại biểu Việt Nam đã trao đổi với các chuyên gia quốc tế hàng đầu về kinh nghiệm, vai trò, xu thế và cách tiếp cận của đối ngoại đa phương thế kỷ 21. Đối với Việt Nam, kể từ công cuộc Đổi mới, đối ngoại đa phương đã trưởng thành vượt bậc, trở thành mũi nhọn trong triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, góp phần tạo thế và lực mới cho đất nước.
Cải cách kinh tế trong nước - Nền tảng hội nhập kinh tế quốc tế
Hội nhập kinh tế quốc tế là một trong các nội dung quan trọng trong đường lối Đổi mới của Việt Nam. Được khởi xướng từ Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986, trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực triển khai hội nhập kinh tế quốc tế trên tất cả các phương diện đa phương, khu vực và song phương. Việc Việt Nam hội nhập kinh tế đa tầng nấc đã thể hiện sự chủ động, tích cực trong việc nắm bắt các cơ hội mới nhưng mặt khác cũng đã và đang đặt ra những thách thức không nhỏ.
Từ giữa những năm 1990, Việt Nam bắt đầu đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của mình như là một phần của chính sách “Đổi mới” và chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác với tất cả các đối tác.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, về đa phương, Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ năm 2007.
Về khu vực, Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN và sau đó là Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA) vào giữa những năm 1990 của thế kỷ trước.
Cùng ASEAN, Việt Nam đã tham gia các thỏa thuận thương mại tự do giữa ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia , New Zealand. Về song phương, Việt Nam đã ký hàng loạt hiệp định quan trọng như Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ, Hiệp định Đối tác kinh tế với Nhật Bản.
Đến nay, Việt Nam đã tham gia 8 thỏa thuận thương mại tự do, trong đó có 6 hiệp định giữa ASEAN với các đối tác và 2 hiệp định song phương (với Nhật Bản và Chile). Việt Nam cũng đang tích cực tham gia đàm phán 6 thỏa thuận thương mại tự do khác, nổi bật là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do với Liên minh thuế quan Nga-Belarus và Kazakhstan và Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU).
Để thành công trong hội nhập kinh tế đa tầng nấc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, cần chuẩn bị một “cái gốc” thật chắc, cần sự nhất quán cao độ về sự cần thiết của hội nhập kinh tế quốc tế. Cụ thể là không "hội nhập vị hội nhập" mà hội nhập để phục vụ mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, phân bổ lại nguồn lực theo hướng hiệu quả hơn và minh bạch hơn. Giữa cải cách kinh tế trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế có sự tác động qua lại nhưng cải cách kinh tế trong nước luôn phải là yếu tố quyết định và là nền tảng của hội nhập kinh tế quốc tế.
Không nên dùng “bên ngoài” để ép “bên trong” vì dễ làm phát sinh tình trạng thực thi hình thức, từ đó làm giảm hiệu quả của hội nhập kinh tế quốc tế. Cuối cùng, Việt Nam cần tiếp tục đưa cải cách kinh tế đi vào chiều sâu, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả các chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp bởi cải cách thành công trong lĩnh vực này sẽ giúp Việt Nam tiếp cận các cấp độ hội nhập kinh tế quốc tế cao hơn.
Cũng theo ông Trần Quốc Khánh, trong môi trường đa tầng nấc, cần có chiến lược rõ ràng và bước đi phù hợp trong việc lựa chọn đối tác cũng như cấp độ hội nhập kinh tế quốc tế. Là nền kinh tế nhỏ, Việt Nam cần đặc biệt coi trọng vai trò của hệ thống thương mại đa phương của Tổ chức Thương mại thế giới.
Nói cách khác, có thể có các hướng ưu tiên theo từng giai đoạn nhưng các hướng ưu tiên này vẫn phải dựa trên các nguyên tắc lớn của hệ thống thương mại đa phương và hướng về mục tiêu cuối cùng là củng cố hệ thống này.
Cho tới nay, để phục vụ mục tiêu phát triển, các cấp độ hội nhập kinh tế quốc tế đều cho phép dành đối xử đặc biệt và khác biệt cho những nước đang phát triển như Việt Nam. Vì thế, Việt Nam có thể tận dụng nhưng không nên lạm dụng sự đối xử đặc biệt và khác biệt đó. Hơn nữa, Việt Nam cũng cần hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật theo hướng đầy đủ và đồng bộ, đảm bảo minh bạch và thuận lợi hóa môi trường kinh doanh.
Nhấn mạnh đến vấn đề lợi ích và chi phí của hội nhập kinh tế quốc tế thường được phân bổ không đồng đều, nhất là ở những nước đang phát triển như Việt Nam, ông Trần Quốc Khánh cho rằng, cần có giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế quốc tế đối với những đối tượng bị tác động nhiều nhất và tạo cơ hội công bằng cho tất cả các đối tượng trong xã hội.
Nêu ra những giai đoạn mới của tiến trình hội nhập quốc tế, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho biết hiện nay, Việt Nam đang đàm phán một số hiệp định, thỏa thuận thương mại tự do. Đây đều là những hiệp định có mức độ tự do hóa cao hơn các hiệp định trước đây mà Việt Nam đã tham gia, trong đó Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương và Thỏa thuận thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu được coi là những hiệp định mậu dịch tự do thế hệ mới.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cũng chỉ ra rằng, Việt Nam là nước có nhiều bất lợi trong số các nước tham gia các Hiệp định này. Tham gia các Hiệp định này sẽ là sức ép lớn, đặt ra những thách thức nặng nề đối với Việt Nam. Nhưng thách thức sẽ là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy cải cách.
Vấn đề còn lại là Việt Nam cần hoạch định một chiến lược cải cách đồng bộ, có lộ trình cụ thể, gắn với một chiến lược hội nhập và tầm nhìn dài hạn, một cơ chế điều phối thực thi hiệu quả để có được “một chuỗi giá trị cao về thể chế”, tạo ra một tổng hợp động lực để có thể hội nhập thành công trong một nền kinh tế toàn cầu hóa và cạnh tranh gay gắt.
Hội nhập kinh tế quốc tế với phạm vi và mức độ liên kết ngày càng sâu và đa dạng sẽ hỗ trợ tích cực cho tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam, giúp Việt Nam có được lợi thế cả trong nước và bên ngoài để thúc đẩy xuất khẩu và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.
Đối ngoại đa phương - Cơ hội và thách thức
Chia sẻ về cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong quá trình triển khai hoạt động đối ngoại đa phương, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan nhấn mạnh, ngoại giao đa phương đã mang lại cho Việt Nam rất nhiều cơ hội.
Ngoại giao đa phương đã từng giúp Việt Nam khắc phục phần nào tình thế bao vây, cô lập. Và sau khi thoát khỏi cục diện cô lập về chính trị, bao vây về kinh tế, ngoại giao đa phương luôn hỗ trợ đắc lực cho mối quan hệ hợp tác song phương với các quốc gia.
Tại các thể chế đa phương với sự tham gia của nhiều nước khác nhau, trong đó các nước vừa và nhỏ thường chiếm số đông và chia sẻ những lợi ích tương đối giống nhau, nhất là trong việc bảo vệ bản sắc, chủ quyền và quyền lợi ích của mình nên tương đối dễ kết bạn với nhau để tự bảo vệ mình, đồng thời góp phần xây dựng trật tự chính trị và kinh tế thế giới công bằng, dân chủ hơn.
Trong mấy chục năm qua, nhờ những đóng góp bằng xương, bằng máu vào sự nghiệp độc lập, hòa bình của các dân tộc, Việt Nam đã được cả thế giới biết đến. Và trong gần ba thập kỷ qua, với sự tham gia ngày càng tích cực vào hoạt động và thể chế đa phương ở cả 4 tầng nấc là tiểu vùng, khu vực Đông Nam Á, các đại khu vực như châu Á- Thái Bình Dương, Á-Âu, cộng đồng Pháp ngữ và trên phạm vi toàn cầu, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao chưa từng thấy.
Thông qua các thể chế đa phương, Việt Nam đã nhận được sự trợ giúp đáng kể cả về phần cứng lẫn phần mềm từ các tổ chức quốc tế, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội, đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế trong nước. Đặc biệt, việc tham gia các thể chế đa phương về kinh tế, nhất là AFTA, WTO... đã giúp Việt Nam mở rộng chưa từng thấy thị trường, có thêm nhiều nguồn lực để phát triển.
Thông qua các hoạt động ngoại giao đa phương, Việt Nam đã đào tạo được số lượng đáng kể cán bộ thuộc mọi ngành có kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ với trình độ ngày càng cao, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng chỉ ra những thách thức không nhỏ khi Việt Nam tham gia hoạt động đối ngoại đa phương. Đó chính là sự bỡ ngỡ trước một “rừng” quy định, luật lệ, các thủ tục lắt léo. Nếu không biết thì rất dễ lúng túng bị động, thậm chí “lạc lối, thất thố”.
Tại các thể chế đa phương với sự tập hợp lực lượng đan xen nhiều chiều. Làm thế nào thực hiện được chính sách ngoại giao đa dạng hóa để không đưa tới sự đối đầu, phương hại tới quan hệ song phương và lệch pha với “bàn cờ” quan hệ quốc tế nói chung của nước mình quả là một thách thức không nhỏ. Bên cạnh đó là nhu cầu bảo đảm sự hài hòa trong hoạt động tại muôn vàn thể chế đa phương chồng lấn nhau phải đảm bảo phương châm “ bổ sung lẫn nhau chứ không mâu thuẫn nhau”.
Cái khó lớn nữa là làm sao mà Việt Nam không chỉ tham gia để tham gia mà phải phát huy được nhiều sáng kiến nhằm tranh thủ được lợi ích tinh thần, vật chất lớn nhất cho đất nước, đóng góp nhiều nhất vào lợi ích chung của cộng đồng quốc tế trong khi nhân lực, tài lực, vị thế có hạn.
Một thách thức không nhỏ là sinh hoạt đa phương quá nhộn nhịp, họp hành liên miên, hiệu quả cụ thể không dễ cân đo đong đếm được làm cho dư luận xã hội không thật đồng cảm, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan chia sẻ.
Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế đang chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc hơn bao giờ hết. Cục diện kinh tế, chính trị thế giới đang định hình rõ nét theo hướng đa trung tâm, đa tầng nấc.
Vì thế ngày nay đối ngoại đa phương ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình trong đời sống chính trị-kinh tế-đối ngoại của thế giới trong thế kỷ 21 và là một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Cơ chế đa phương - công cụ hỗ trợ các quốc gia vượt qua thách thức
Chia sẻ về những xu thế của đối ngoại đa phương thế kỷ 21, các yếu tố tạo nên cục diện đa phương trong khu vực và làm thế nào để đối phó với thách thức, nguyên Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy nhấn mạnh, các nhân tố chính hình thành nên cục diện thế giới trong vài thập niên tới là toàn cầu hóa sẽ tiếp tục diễn ra và các nước coi đó là động lực chính để phát triển công nghệ. Bởi vì công nghệ sẽ hỗ trợ sản xuất, giảm chi phí sản xuất, kể cả quy trình sản xuất hàng hóa và dịch vụ, tài chính, thương mại. Toàn cầu hóa góp phần nâng cao năng lực quốc gia trong xóa đói giảm nghèo, đem lại bình đẳng cho các quốc gia.
Nguyên Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy cho rằng, trước hết các quốc gia phải cải thiện mô hình quản trị ngày càng hoàn thiện hơn trong môi trường ngày càng phức tạp. Cụ thể, từng nước nâng cao cải thiện hệ thống mô hình quản trị, hệ thống quốc nội, nâng cao chất lượng hệ thống xã hội, giáo dục, y tế, hệ thống chống tham nhũng theo cách thức khác nhau mà quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các nước có thể được thực hiện.
Để vượt qua các thách thức này, điều cốt yếu nằm ở năng lực và khả năng của từng nước trong việc thực hiện những biện pháp cần thiết để giải quyết những vấn đề trong nước, khu vực và quốc tế; đồng thời cộng đồng quốc tế cần cùng nhau hợp tác trong tiến trình này. Các biện pháp chỉ có tác dụng khi các quốc gia tự cải thiện năng lực, tự tổ chức quản lý, quản trị một cách tốt hơn, đáp ứng được những thách thức trong xu thế đa phương hiện nay. Và các cơ chế đa phương chỉ là những công cụ hỗ trợ các quốc gia để vượt qua những thách thức này.
Đặc biệt trong giai đoạn sau chiến tranh thế giới hai, chủ nghĩa đa phương đã cho thấy việc kết hợp các yếu tố quản trị, sự lãnh đạo của các quốc gia, tính hợp hiến và tính hiệu quả của chính phủ trong việc đáp ứng những thách thức ở khu vực và quốc tế, cũng như trong sự phối hợp giải quyết những vấn đề quốc tế. Điều quan trọng là các cơ chế này được thực hiện trên cơ sở thắng thắn, minh bạch. Ngoài ra các yếu tố như năng lực, hiệu quả cũng đóng vai trò quan trọng và đảm bảo tính hợp hiến trong quá trình quản lý, lãnh đạo.
Cũng theo nguyên Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy, chủ nghĩa đa phương vẫn được phát triển theo chiều hướng tích cực trong xu thế ngày nay, trong bối cảnh địa chính trị, địa kinh tế hiện tại. Trong mô hình đa phương, những vấn đề liên quan đến địa kinh tế, địa chính trị vẫn thu hút sự chú ý của các quốc gia trong việc ứng phó tập thể với các thách thức chung.
Hành tinh đang chứng kiến một thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau và hội nhập lẫn nhau về kinh tế. Đối với các quốc gia như Việt Nam, vấn đề đang phải đối mặt là làm thế nào để cân bằng tăng trưởng kinh tế với các vấn đề về địa chính trị. Thông qua quá trình toàn cầu hóa có thể thấy được sự giới hạn hệ thống toàn cầu hóa về kinh tế và sự cân bằng của hệ thống này đối với sự hội nhập về xã hội, chính trị. /.