Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Anh về Hội nghị Đối ngoại toàn quốc vừa diễn ra, ông Paul Smith, Phó Chủ tịch Mạng lưới Việt Nam-Anh (VNUK Network), cho rằng chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa của Việt Nam trong những năm qua đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các mối quan hệ bền chặt dựa trên lòng tin, tính chính trực, sự ủng hộ và sức ảnh hưởng.
Chính những mối quan hệ bền chặt này, được thiết lập thông qua các nhà ngoại giao chuyên nghiệp và tận tụy của Việt Nam, đã mang lại những thành công của đất nước trên trường quốc tế.
Đánh giá về thành tựu đối ngoại của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, ông Paul Smith chỉ ra rằng Việt Nam được các nền kinh tế hàng đầu thế giới công nhận là đối tác tin cậy về thương mại, quốc phòng và an ninh, và là quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn tại Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
[Việt Nam ngày càng phát huy vai trò quan trọng trên trường quốc tế]
Ông khẳng định vị trí này sẽ cho phép các nhà ngoại giao Việt Nam thúc đẩy hơn nữa thương mại giữa Việt Nam và thế giới cũng như nâng tầm ảnh hưởng của đất nước để trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Bình luận về trường phái đối ngoại đặc sắc và độc đáo của Việt Nam, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mô tả mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" với "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển," ông Paul Smith nhấn mạnh chính sách ngoại giao này của Việt Nam là rất phù hợp, đặc biệt là về sự linh hoạt cần thiết để xây dựng các mối quan hệ toàn cầu, đối phó với các thách thức về an ninh và quốc phòng.
Ông cho rằng “gốc tre vững” là cần thiết để bảo vệ các giá trị của Việt Nam và để đối phó với những khác biệt và thách thức, trong khi “cành uyển chuyển” là sự linh hoạt, mềm dẻo cần thiết trong việc tạo dựng các mối quan hệ toàn cầu.
Phó Chủ tịch VNUK Network cho biết ông đặc biệt ấn tượng với cách so sánh này bởi cây tre là biểu tượng của sự bền vững và năng lượng tái tạo, góp phần quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Là người theo dõi sự phát triển của Việt Nam trong hơn 20 năm qua, ông Smith đánh giá Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong quá trình hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế nói riêng.
Việt Nam đã tạo dựng được sự hiện diện quốc tế quan trọng trên phạm vi toàn cầu, trở thành một đối tác thương mại được tôn trọng và tin cậy.
Việt Nam cũng đóng vai trò là đòn bẩy tại ASEAN và châu Á khi phát triển quan hệ đối tác thương mại ngày càng tăng với hơn 220 quốc gia. Ông lưu ý rất ít nền kinh tế mới nổi khác đạt được thành tựu như vậy trong một thời gian ngắn.
Ông Smith nêu rõ mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng quyết tâm và hành động của Việt Nam trong việc thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ nâng tầm đất nước lên vị trí quan trọng trong những năm tới.
Ông cho rằng phát triển thương hiệu Việt Nam, xây dựng tương lai dựa trên chuyên môn và công nghệ, và tập trung vào năng lượng tái tạo và bền vững sẽ mở ra nhiều cánh cửa để Việt Nam đến với thế giới.
Về quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Anh, ông Smith nhận định mối quan hệ này phát triển mạnh mẽ hơn qua từng năm.
Ông tin rằng Anh có thể trở thành đối tác thương mại châu Âu lớn nhất của Việt Nam trong vài năm tới thông qua hợp tác trên các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, dược phẩm, năng lượng tái tạo, phát triển bền vững, giáo dục và công nghệ.
Theo ông, điều quan trọng là tăng cường kết nối giữa các công ty của Anh và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, xây dựng các mối quan hệ nhằm thúc đẩy thương mại giữa hai bên./.