Đội ngũ trí thức, nghệ sỹ cống hiến vì khát vọng Việt Nam hùng cường

Các đại biểu trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sỹ tiêu biểu chia sẻ rằng họ mong muốn được cống hiến, được tự do sáng tạo vì sự phát triển, thịnh vượng của đất nước và sống trong lòng nhân dân.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh chung cùng đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh chung cùng đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Được cống hiến, được tự do sáng tạo vì sự phát triển, thịnh vượng của đất nước và sống trong lòng nhân dân.

Đây là nguyện vọng lớn nhất mà các đại biểu trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sỹ tiêu biểu chia sẻ tại Hội nghị “Gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ,” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 31/7 tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.

Trước đó, tại buổi gặp mặt ngày 30/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặt niềm tin tưởng và sự kỳ vọng vào đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ, mà tiêu biểu là hơn 200 đại biểu đang có mặt tại đây, đại diện cho hơn 6,5 triệu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ của cả nước. Mong rằng các đồng chí, các bác, các anh, chị tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa, mang lại những điều tốt đẹp nhất cho nhân dân, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc như di nguyện của Bác Hồ cách đây hơn 50 năm."

Làm việc không vì tấm huân chương

“Không chỉ cá nhân tôi mà tất cả những cán bộ đang làm việc trong hệ thống y học dự phòng đều chưa bao giờ nghĩ đến mục đích làm việc vì sẽ được tặng thưởng, ghi nhận hay một tấm huân chương,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, xúc động khi chia sẻ về những công việc thầm lặng, nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng của đội ngũ y tế dự phòng trong cuộc chiến chống lại các dịch bệnh ở Việt Nam, kể từ đại dịch SARS năm 2003 cho đến COVID-19 hiện nay.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thị Quỳnh Mai cho biết do đặc thù công việc luôn hướng đến cộng đồng, không chỉ ở Việt Nam mà còn cả thế giới, cho nên tất cả những hoạt động của những người làm y tế dự phòng phải thực hiện dưới hình thức rất phổ thông, dễ hiểu, để toàn bộ cộng đồng có thể cùng tham gia và giám sát.

Nhưng trong công việc mà Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thị Quỳnh Mai gọi là “công việc bình dị” lại không có chỗ cho bất cứ sai sót nào. “Bất kỳ một sự sai sót nào đều có thể trở thành mục tiêu để chỉ trích nặng nề, có thể làm mất tinh thần và động lực làm việc. Tuy nhiên, cán bộ trong hệ thống làm việc của chúng tôi cũng có lúc dao động nhưng chưa bao giờ mất niềm tin, luôn chấp nhận thách thức, cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ và để trưởng thành.”

Sự trưởng thành đó được Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thị Quỳnh Mai dẫn chứng bởi chặng đường phát triển vượt bậc của hệ thống y tế dự phòng Việt Nam trong gần 20 năm qua, kể từ năm 2003, khi dịch SARS xuất hiện ở Việt Nam.

Đội ngũ trí thức, nghệ sỹ cống hiến vì khát vọng Việt Nam hùng cường ảnh 1Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương trao bằng khen, vinh danh, khen thưởng những cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Tuyên giáo của Đảng. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Từ những ngày đầu non nớt với công tác giám sát, cách ly, phòng, chống dịch cũng như điều trị, tất cả qua hình thức “cầm tay, chỉ việc” của các chuyên gia quốc tế, Tổ chức Y tế thế giới, CDC Hoa Kỳ hồi dịch SARS 2003, nhưng chỉ 17 năm sau, khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Trung Quốc vào tháng 12/2019, toàn bộ việc định hướng, chuẩn bị, xây dựng kế hoạch, chiến lược phòng, chống và tổ chức thực hiện đều do các cán bộ của hệ thống y học dự phòng Việt Nam đảm nhiệm.

Được cống hiến là lẽ sống, trách nhiệm của người nghệ sỹ

Nổi tiếng trong lòng công chúng với những vai diễn “để đời” trong các bộ phim truyền hình, điện ảnh và vở kịch, Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Thị Lan Hương, người nghệ sỹ có hơn 40 năm gắn bó với nghề, chia sẻ: “Với chúng tôi, được cống hiến, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc là trách nhiệm, nghĩa vụ và tình cảm thiêng liêng. Mỗi một người nghệ sỹ, trong lĩnh vực nghệ thuật của mình, qua các cuộc kháng chiến và hiện nay trong công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước đã sáng tạo, hoạt động nghệ thuật với sự cống hiến nghiêm túc, với tất cả lòng say mê, hết mình.”

“Được sống, được hòa mình, được cống hiến trong niềm tin yêu của khán giả, của nhân dân, cách mạng là lẽ sống, trách nhiệm công dân của người nghệ sỹ,” nghệ sỹ Lan Hương nói.

Nghệ sỹ Lan Hương bày tỏ sự trân trọng, biết ơn Đảng và Nhà nước đã có những định hướng đúng đắn để đội ngũ những người làm nghệ thuật nói chung và anh, chị, em nghệ sỹ nói riêng có được thành công như ngày hôm nay.

Theo nghệ sỹ Lan Hương, những năm qua, Nhà nước luôn quan tâm tổ chức nhiều giải thưởng, lễ tôn vinh dành cho những nghệ sỹ xuất sắc. Đây là nguồn động lực cổ vũ to lớn, giúp những người làm nghệ thuật tiếp tục nỗ lực phấn đấu, cống hiến.

Chia sẻ về những khó khăn của sân khấu hiện nay, nghệ sỹ Lan Hương mong muốn Đảng, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương tiếp tục quan tâm, có chính sách đầu tư, gìn giữ, phát triển sân khấu chuyên nghiệp, nhất là sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, dân ca…

Đội ngũ trí thức, nghệ sỹ cống hiến vì khát vọng Việt Nam hùng cường ảnh 2Chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng Hội nghị Gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

“Tạo cơ chế cho nghệ thuật sân khấu hiện đại có điều kiện phát triển, tìm hướng đi phù hợp, thể hiện được hơi thở của cuộc sống, sự trăn trở, đau đáu của người nghệ sỹ trước các vấn đề nhức nhối của xã hội,” nghệ sỹ Lan Hương bày tỏ.

Người trí thức chân chính luôn đứng về phía đất nước mình

Điểm lại các giai đoạn lịch sử giới trí thức, nhà khoa học được Đảng giác ngộ và đi theo cách mạng, Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Đặng Vũ Minh khẳng định: “Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, những người trí thức Việt Nam chân chính và yêu nước bao giờ cũng đứng về phía đất nước mình, bao giờ cũng chia sẻ số phận với nhân dân.”

Theo Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đặng Vũ Minh, có 4 giải pháp để Đảng, Nhà nước cần thực hiện có hiệu quả công tác vận động trí thức trong tình hình hiện nay.

Đầu tiên, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đặng Vũ Minh cho rằng cần xây dựng được một đội ngũ cán bộ, những người thực hiện công tác vận động trí thức, có uy tín, có nhiệt huyết. “Và điều quan trọng hơn cả, họ phải là những người am hiểu mục đích, ý nghĩa của việc vận động trí thức để trí thức tin vào lời mình nói.”

Dẫn câu chuyện của bản thân khi được cử đi công tác ở các nước Đông Âu vào những năm cuối thập kỷ 1980, trong giai đoạn bất ổn của hệ thống xã hội chủ nghĩa, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đặng Vũ Minh cho biết, ở thời điểm đó, ông và nhiều đồng nghiệp đã nhận thức được rõ trách nhiệm của mình đối với sự ổn định của đất nước.

“Bài học sâu sắc nhất mà tôi rút ra được đó là bằng bất kỳ giá nào không thể để tấm bi kịch như vậy xảy ra đối với đất nước, dân tộc chúng ta. Muốn vậy, phải giữ cho đất nước ổn định. Muốn vậy, phải giữ được lòng dân, phải làm tốt công tác tập hợp, đoàn kết và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức,” Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đặng Vũ Minh nói.

Giải pháp thứ hai, theo Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đặng Vũ Minh là cần phải làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nhằm khơi dậy trong đội ngũ trí thức lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm đối với đất nước, với dân tộc.

Theo Giáo sư Đặng Vũ Minh, thách thức lớn nhất hiện nay khi thực hiện giải pháp thứ hai là cuộc chiến tranh thông tin trong không gian mạng. Và để chiến thắng trong cuộc chiến tranh này, đòi hỏi mỗi người, trong đó có đội ngũ trí thức cần phải có niềm tin vào truyền thống quật cường của dân tộc ta, một dân tộc đã trải qua biết bao cuộc chiến để giữ vững được nền độc lập, thống nhất giang sơn.

Chính truyền thống hào hùng này đã truyền đến các thế hệ những nhà khoa học, trí thức hôm nay, để họ tự tin bước vào cuộc chiến chung của nhân loại chống lại đại dịch COVID-19.

Biện pháp thứ ba, Giáo sư Đặng Vũ Minh cho rằng cần khuyến khích, tạo điều kiện để giới trí thức, đặc biệt là các trí thức lão thành tham gia vào việc đóng góp ý kiến trong quá trình hoạch định chính sách, nhất là trên lĩnh vực khoa học-công nghệ, giáo dục và đào tạo.

Biện pháp cuối cùng, theo ông, đó là phát huy hơn nữa vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc giáo dục chính trị-tư tưởng, cổ vũ tập hợp trí thức, truyền bá kiến thức khoa học-công nghệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục