Trong hai ngày 7-8/5, tại thủ đô Ottawa của Canada đã diễn ra phiên Đối thoại lần thứ 14 giữa các Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN và Canada.
Cuộc họp nhằm đánh giá tiến độ triển khai các hoạt động hợp tác trong Kế hoạch Hành động giai đoạn 2016-2020 và chuẩn bị cho các hoạt động cấp cao thời gian tới, nhất là trong bối cảnh hai bên đang tổ chức kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN-Canada.
Tại cuộc họp, Trưởng SOM Canada, ông Donald Bobiash, đánh giá ASEAN là một đối tác quan trọng trong chính sách đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Canada, và Canada chia sẻ nhiều lợi ích và tầm nhìn với các nước ASEAN.
Hiện nay, cộng đồng người Canada gốc Đông Nam Á lên đến khoảng 1 triệu người trong tổng dân số hơn 36 triệu người của Canada. Về kinh tế và thương mại, với những nền kinh tế năng động và thị trường 620 triệu dân, ASEAN đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Canada.
Đầu tư của các nước ASEAN vào Canada đến nay đã vượt 1 tỷ đôla Canada (CAD). Canada mong muốn cùng ASEAN tiếp tục thúc đẩy tự do và liên kết thương mại, trong đó có khả năng xây dựng một Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Canada.
Trưởng SOM Canada Bobiash nhấn mạnh là một trong các thành viên sáng lập Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Canada đã có nhiều sáng kiến và dự án hỗ trợ các nước ASEAN nâng cao năng lực phòng chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, tích cực đóng góp vì hòa bình, an ninh khu vực.
Về vấn đề Biển Đông, Canada ủng hộ các bên tiếp tục các biện pháp tăng cường xây dựng lòng tin, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như việc nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Canada bày tỏ lo ngại về an ninh biển và các hành vi phá hoại môi trường biển, nhất là các rạn san hô.
Thượng nghị sỹ Peter Harder và Thứ trưởng Ngoại giao Canada Ian Shugart đã có bài phát biểu tại cuộc họp, đánh giá cao vai trò của ASEAN và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự gắn kết giữa Canada và ASEAN. Hai ông đồng thời khẳng định Canada sẵn sàng tham gia sâu hơn vào các cơ chế hợp tác khu vực do ASEAN dẫn dắt, đặc biệt mong muốn sớm trở thành thành viên của Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).
Đánh giá cao cam kết của Canada đối với khu vực, các nước ASEAN mong muốn Canada tiếp tục hỗ trợ ASEAN trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, phát huy vai trò trung tâm trong tiến trình liên kết và định hình cấu trúc khu vực.
Các nước ASEAN đã nêu nhiều đề xuất tăng cường hợp tác hai bên trong giai đoạn tới, trong đó có lĩnh vực chống khủng bố, bạo lực cực đoan, cướp biển, ma túy, quản lý biên giới và tăng cường an ninh mạng. Các ý tưởng hợp tác với Canada trong hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như triển khai Kế hoạch Tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC) giai đoạn 3, ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu cũng được nhiều nước nêu ra. Hai bên cũng đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Phát biểu tại cuộc họp, Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ ASEAN-Canada và mong muốn hai bên có thêm nhiều hoạt động thiết thực để phát huy hơn nữa tiềm năng hợp tác.
Về hợp tác chính trị-an ninh, Thứ trưởng đề nghị hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có như ARF, Tham vấn ASEAN-Canada; mong muốn Canada tiếp tục phát huy vai trò của một quốc gia Thái Bình Dương, một thành viên quan trọng của các nhóm như Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), nhất là đề cao luật pháp quốc tế, ủng hộ ASEAN xây dựng một cấu trúc an ninh khu vực dựa trên luật lệ.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cũng chia sẻ quan ngại về các diễn biến phức tạp tại Biển Đông, nhấn mạnh quan điểm nhất quán của Việt Nam, hoan nghênh lập trường của Canada trong các tuyên bố gần đây về vấn đề Biển Đông.
Về định hướng thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho rằng ASEAN và Canada cần đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên như an ninh biển, phòng chống tội phạm buôn bán người, an ninh mạng, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh nguồn nước, nhất là ở hạ lưu sông Mekong.
Bên cạnh đó, Trưởng đoàn Việt Nam cũng đề nghị thúc đẩy hợp tác thiết thực về giáo dục, thông qua việc tăng cường học bổng của Canada cho các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV), triển khai các dự án hợp tác du lịch, giao lưu nhân dân, thu hẹp khoảng cách phát triển, khuyến khích các doanh nghiệp Canada quan tâm các dự án cơ sở hạ tầng kết nối, phát triển doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, các hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo tại các nước ASEAN.
Là một trong các đối tác đầu tiên của ASEAN, Canada đã thiết lập quan hệ đối thoại với ASEAN từ năm 1977. Trải qua bốn thập kỷ, hiện nay quan hệ ASEAN-Canada đã phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực./.