Đối thoại cấp cao về phát triển nhân lực thông qua tuyên bố chung

Đại diện 21 nền kinh tế thành viên APEC đã thông qua Tuyên bố chung của Đối thoại cao cấp APEC 2017 về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.
Đối thoại cấp cao về phát triển nhân lực thông qua tuyên bố chung ảnh 1Đại biểu các nền kinh tế APEC tham dự tại cuộc đối thoại. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM2) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan, chiều 15/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp đã chủ trì buổi họp thông báo kết quả Đối thoại cấp cao 2017 về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.

Tại buổi họp, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết Đối thoại cấp cao APEC 2017 về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, đại diện các nền kinh tế thành viên APEC đã thông qua Khuôn khổ APEC về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.

Khuôn khổ này đề xuất một nhóm các định hướng chính sách, biện pháp thích hợp nhằm hỗ trợ cho các nền kinh tế trong việc chuẩn bị cho người lao động tham gia thị trường việc làm đối phó với những thách thức, cơ hội liên quan đến số hóa. Quan trọng là APEC phải được sử dụng như một diễn đàn khu vực, đối thoại chính sách, hợp tác về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.

Khuôn khổ này bổ sung cho các sáng kiến hiện hành của APEC như: Chiến lược giáo dục APEC về cải cách nền giáo dục và góp phần vào nỗ lực toàn cầu bao gồm sáng kiến của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về "Thế kỷ việc làm tương lai” và các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc: đặc biệt là Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc; Mục tiêu 4 về đảm bảo giáo dục có chất lượng, hòa nhập, bình đẳng cho mọi người, thúc đẩy học tập suốt đời; Mục tiêu 8 về tạo động lực mới cho tăng trưởng, phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm, chia sẻ tương lai chung của khu vực.

Mục tiêu cụ thể của khuôn khổ này nhằm cung cấp định hướng chính sách cấp cao tăng cường hợp tác khu vực về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; vạch ra các thách thức chung về chính sách phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh thay đổi công nghệ; xác định và tiến hành các hoạt động trong các lĩnh vực hợp tác ưu tiên nơi APEC có thể đóng góp giá trị bổ sung.

Các lĩnh vực hoạt động ưu tiên như: tương lai việc làm trong kỷ nguyên số, hàm ý chính sách thị trường lao động; giáo dục, đào tạo kỹ năng nghề; an sinh xã hội. Khung thời gian đề xuất để thực hiện Khuôn khổ APEC về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số là từ năm 2017 đến 2025. Khuôn khổ này sẽ được các bộ trưởng phụ trách phát triển nguồn nhân lực tại các nền kinh tế thành viên APEC đánh giá lại vào năm 2022.

[Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nguồn nhân lực là động lực của phát triển]

Cùng với đó, đại diện 21 nền kinh tế thành viên APEC đã thông qua Tuyên bố chung của Đối thoại cao cấp APEC 2017 về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.

Việc thực hiện các lĩnh vực và hành động ưu tiên của Tuyên bố chung này chủ yếu thông qua Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực và bổ trợ cho các Tuyên bố cấp bộ trưởng như: Tuyên bố cấp Bộ trưởng APEC về giáo dục thông qua tại Lima, Peru năm 2016 và Tuyên bố cấp Bộ trưởng về phát triển nguồn nhân lực thông qua tại Hà Nội năm 2014 bao gồm: Tăng cường hợp tác thông qua phối hợp, đại diện và đối thoại xã hội; khuyến khích sự kết nối và các sáng kiến khác của APEC; thúc đẩy sự kết nối với các nhóm công tác khác của APEC.

Đối thoại cao cấp APEC 2017 về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số diễn ra trong bối cảnh thế giới việc làm đang trải qua những thay đổi lớn về cơ cấu với những tiến bộ của công nghệ; sự gia tăng tính phân đoạn trong quy trình sản xuất, nhu cầu các nghề và kỹ năng mới, những thay đổi phát sinh trong quan hệ lao động...

Cùng với đó, việc ứng dụng số hóa và kỹ thuật tự động hóa giúp tăng năng suất lao động, sản lượng kinh tế, tạo thêm việc làm tay nghề cao, đem đến những cơ hội to lớn về kinh tế-xã hội cho tất cả các nền kinh tế.

Tại buổi họp, đại diện Nhóm công tác về Phát triển nguồn nhân lực APEC giải đáp nhiều câu hỏi của báo chí về những thách thức, cơ hội việc làm cho lực lượng lao động trong kỷ nguyên số, bài học kinh nghiệm được chia sẻ từ các nền kinh tế phát triển, giải pháp tăng năng suất lao động trong khu vực APEC.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục