Với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác công tư: Động lực then chốt của phục hồi toàn diện và phát triển bền vững bao trùm, đổi mới sáng tạo," Đối thoại chiến lược quốc gia giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) bằng hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp đã diễn ra ngày 29/10.
Tham dự Đối thoại có nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF, Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch WEF Borge Brende, các Bộ trưởng và lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam, các nhà lãnh đạo toàn cầu và khu vực của các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Chủ tịch WEF Borge Brende đánh giá Đối thoại chiến lược quốc gia giữa Việt Nam và WEF lần đầu tiên được tổ chức rất thành công.
Trước thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam khi chia sẻ về khát vọng, kế hoạch, mục tiêu phát triển của đất nước, các giám đốc điều hành (CEO) toàn cầu và cộng đồng doanh nghiệp đã có những phản hồi tích cực.
Nhiều CEO gửi hàng loạt tin nhắn cho ông Brende khẳng định họ rất ấn tượng, hài lòng về phát biểu giới thiệu, giải đáp thắc mắc của Thủ tướng. Điều này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp quan tâm tới Đối thoại và sự kiện này diễn ra rất tập trung, hiệu quả.
Theo Chủ tịch Brende, Việt Nam đã và đang là quốc gia quan trọng đối với WEF, quan hệ hợp tác Việt Nam và WEF đã phát triển hết sức tốt đẹp, đặc biệt sau Hội nghị WEF về ASEAN năm 2018 tại Hà Nội được đánh giá là xuất sắc. Đây chính là lý do WEF mời Việt Nam đồng chủ trì sự kiện Đối thoại quan trọng lần này.
[Thủ tướng đồng chủ trì Đối thoại Chiến lược Việt Nam-WEF lần đầu tiên]
WEF cũng đánh giá cao các chính sách ngắn hạn và dài hạn của Chính phủ và các nỗ lực của Việt Nam nói chung trong ứng phó, thích ứng an toàn với dịch bệnh và hướng đến mục tiêu, tầm nhìn dài hạn hơn, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2045 sánh vai cùng các nước phát triển thu nhập cao. Việt Nam có những biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, chiến lược tiêm vaccine, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế, sản xuất trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh. Những chính sách dài hạn của Việt Nam tái khẳng định khát vọng, tầm nhìn và nỗ lực phát triển của Chính phủ.
Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế năng động, một trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Việt Nam đã thể hiện cam kết đổi mới và cải cách, có các chính sách thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, các giải pháp thông minh, năng lượng tái tạo.
Chủ tịch Brende cho biết WEF luôn quan tâm đến quan hệ đối tác công tư, vai trò của quan hệ đối tác công tư đã được ghi nhận là động lực quan trọng để phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm, đổi mới sáng tạo.
Các chính sách thúc đẩy hợp tác công-tư giúp phát triển hạ tầng kỹ thuật số, khuyến khích đầu tư cho chuyển đổi số, các chiến lược tận dụng cách mạng công nghệ 4.0 để ứng phó và phục hồi sau đại dịch.
WEF sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong việc thúc đẩy đối tác công tư, tiếp tục có các chương trình hợp tác thường xuyên, các hoạt động thường niên của WEF tại Davos./.