Đối thoại chính sách nông nghiệp: Lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp Việt-Nhật

Trong năm 2023, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam và trong 6 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt 1,91 tỷ USD.

Quang cảnh buổi đối thoại. (Ảnh: Xuân Giao/TTXVN)
Quang cảnh buổi đối thoại. (Ảnh: Xuân Giao/TTXVN)

Ngày 20/8, tại Tokyo, Nhật Bản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), Trung tâm ASEAN-Nhật Bản (AJC) tổ chức Hội nghị “Đối thoại Chính sách thương mại và đầu tư nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản.”

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam; Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu; ông Kunieda Gen, Cục Xuất khẩu và Quan hệ quốc tế, Đại diện Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản cùng đông đảo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam và Nhật Bản.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Đại sứ Phạm Quang Hiệu cho biết Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, cung cấp viện trợ ODA lớn nhất, đối tác thứ hai về lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ tư về thương mại.

Trong quan hệ giao thương nông sản, những năm vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã phối hợp với các cơ quan hữu quan hai nước để mở cửa cho một số mặt hàng quan trọng, như quả thanh long, quả xoài, quả nhãn, quả vải của Việt Nam và quả táo, quả quýt của Nhật Bản, từ đó góp phần duy trì đà tăng trưởng bền vững của kim ngạch thương mại nông nghiệp giữa hai nước nói riêng và thương mại hàng hóa nói chung.

Đại sứ nhấn mạnh dư địa hợp tác song phương Việt Nam-Nhật Bản còn rất nhiều tiềm năng, đặc biệt là thương mại và đầu tư của hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hiện nay thị trường Nhật Bản mới chỉ chiếm 7,4% tỷ trọng tổng xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam. Chiều ngược lại, Việt Nam chiếm 1,1% thị phần sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu của Nhật Bản.

Về đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, Nhật Bản hiện đứng thứ 6 trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam với khoảng 45 dự án.

Hội nghị có 4 bài tham luận với những nội dung thiết thực, cụ thể về thực trạng, cơ hội, tiềm năng và chính sách khuyến khích về thương mại và đầu tư trong lĩnh vực giữa hai nước.

Trong tham luận “Chính sách khuyến khích, cơ hội và tiềm năng thương mại, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam,” đại diện Cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu nông lâm thủy sản, hiện xuất khẩu sang hơn 190 nước và vùng lãnh thổ.

Riêng đối với thị trường Nhật Bản, bài tham luận đã đề cập đến những chính sách thuận lợi cho hợp tác nông nghiệp giữa hai nước như Việt Nam và Nhật Bản có quan hệ “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”; đã ký kết và là thành viên của nhiều hiệp định tự do đa phương như CPTPP, RCEP, AJCEP, VJEPA…; cơ cấu mặt hàng, lợi thế so sánh bổ trợ cho nhau; chuỗi cung ứng có chi phí thấp; nhiều sản phẩm phù hợp thị hiếu như thủy sản, càphê, rau quả, tiêu, điều...

Trong bài tham luận “Tình hình hàng rau quả Việt Nam xuất sang Nhật Bản,” Tham tán thương mại Tạ Đức Minh cho biết Nhật Bản là thị trường có sức tiêu thụ lớn với hàng nông thủy sản-thực phẩm nhập khẩu, có nhu cầu nhập khẩu nhiều về cá, tôm, lươn, thịt và sản phẩm chế biến từ thịt, đậu nành, ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, càphê… (là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh).

Hàng thực phẩm Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Nhật Bản. Hiện nay, các loại trái cây tươi Việt Nam được phía Nhật Bản mở cửa thị trường bao gồm thanh long ruột trắng (2009), xoài (2015), thanh long ruột đỏ (2017), vải (2019), nhãn (2022).

ttxvn_tom.jpg
Đóng gói sản phẩm tôm chế biến xuất khẩu đi Nhật Bản. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Tham tán Tạ Đức Minh cho rằng các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm... đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài (trong đó có Việt Nam) vào thị trường Nhật Bản là rất cao, gây ra ít nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo ông Tạ Đức Minh, Nhật Bản là cửa ngõ khó vào nhưng nếu đã vào được thì xuất khẩu sẽ ổn định và lâu dài, đồng thời có thể mở rộng đi các nước khác.

Tham tán Tạ Đức Minh đưa ra các khuyến nghị đối với doanh nghiệp như tận dụng tốt ưu đãi cắt giảm thuế từ các FTA mà hai nước là thành viên; tranh thủ sự hỗ trợ của các Bộ ngành, cơ quan liên quan; tham gia các chương trình kết nối giao thương trực tiếp và trực tuyến; tham gia các đoàn xúc tiến thương mại và trưng bày hàng hóa tại các hội chợ, triển lãm quốc tế lớn trong và ngoài nước.

Tham luận “Khuynh hướng đầu tư và thương mại của doanh nghiệp Nhật Bản” do ông Sho Hiromitsu, Đại diện JETRO, cho biết JETRO đã tổ chức chuyến công tác đến Việt Nam vào tháng 1/2024 với sự tham gia của 12 doanh nghiệp Nhật Bản để kiểm tra và đàm phán kinh doanh về cơ sở chế biến sò điệp.

Các doanh nghiệp tham gia bày tỏ mong muốn tìm hiểu khả năng hợp tác về việc tách vỏ sò điệp cũng như mong muốn sớm triển khai được hoạt động này tại Việt Nam.

JETRO có kế hoạch hướng dẫn các công ty Việt Nam đến các khu vực sản xuất sò điệp khi họ đến thăm Nhật Bản cũng như có kế hoạch tổ chức các cuộc họp kinh doanh để phát triển các kênh bán hàng tại các hội chợ thương mại ở nước ngoài tại Mỹ.

Hội nghị còn có phiên thảo luận do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam và Đại sứ Phạm Quang Hiệu đồng chủ trì với nhiều câu hỏi, kiến nghị cụ thể của doanh nghiệp hai nước về các chính sách, cơ chế hỗ trợ từ Chính phủ hai nước. Các cơ quan quản lý hai nước đã giải đáp các vấn đề quan tâm của doanh nghiệp ngay tại Hội nghị.

Phát biểu bế mạc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá thông qua các tham luận, có thể nhận thấy một số xu thế. Đó là cơ cấu nông nghiệp hai nước bổ trợ cho nhau, Việt Nam xuất khẩu những mặt hàng có thế mạnh về sử dụng đất nông nghiệp, các mặt hàng nông sản nhiệt đới, đồng thời nhập khẩu các yếu tố đầu vào của sản xuất nông nghiệp như máy nông nghiệp, phân bón... và các mặt hàng nông sản ôn đới có chất lượng cao của Nhật Bản.

Đối với đầu tư, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng tận dụng thế mạnh về công nghệ, vốn để đầu tư sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam để hình thành những chuỗi cung ứng cho thị trường Nhật Bản và xuất khẩu sang nước thứ 3.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng cho rằng mặc dù có tiềm năng về thương mại và đầu tư như vậy, nhưng sự tăng trưởng của thương mại và đầu tư chưa ổn định, tỷ trọng của thương mại nông sản giữa hai nước còn khiêm tốn trong tổng thương mại nông sản với thế giới; chưa tận dụng hết tiềm năng hợp tác thành các kết quả cụ thể.

Thứ trưởng cho biết thêm trong năm 2023, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam và trong 6 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt 1,91 tỷ USD, chiếm 6,6%, tăng 5%.

Thứ trưởng cho rằng giai đoạn hiện nay chính là cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản năng động hơn nữa, phát huy hết khả năng của mình, tăng cường kết nối, giao thương để đón đầu và tận dụng các ưu thế sẵn có về lịch sử, địa lý, môi trường đầu tư, kinh doanh, sự hỗ trợ của Chính phủ hai nước để đẩy mạnh thương mại và đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ trưởng bày tỏ vui mừng được lắng nghe và trao đổi trực tiếp về những vấn đề và những mối quan tâm của các doanh nghiệp trong thương mại và đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam.

Thứ trưởng cam kết trên cơ sở nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng của phía Nhật Bản, đoàn công tác sẽ tham mưu Bộ và Chính phủ xây dựng những cơ chế, chính sách để khuyến khích và hỗ trợ hơn nữa cho hoạt động thương mại và đầu tư nông nghiệp giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.